8 thị trường chính của cá ngừ Việt Nam, trừ Trung Quốc, còn lại gồm: Mỹ, EU, CPTPP, Nga, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập và Hàn Quốc.
Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, XK cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng trưởng cao liên tục trong nửa cuối năm. Kim ngạch XK cá ngừ sang thị trường này đạt gần 7 triệu USD (tăng 84%). Xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục trong tháng đầu năm 2023.
Hiện Việt Nam XK chủ yếu là loin cá ngừ (thịt thăn dọc sống lưng) hấp đông lạnh sang thị trường Hàn Quốc, chiếm 69% tổng kim ngạch XK. Giá trung bình XK các sản phẩm này trong năm 2022 dao động trung bình ở mức 5.142 USD/tấn.
Sau khi tăng lên mức cao nhất vào tháng 5-2022 là 5.664 USD/tấn, giá trung bình XK loin cá ngừ hấp đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đã giảm xuống. Tuy nhiên càng về cuối năm giá lại có xu hướng ngày càng tăng.
Hiện có 18 công ty tham gia XK cá ngừ sang thị trường Hàn Quốc. Trong đó, Nha Trang Bay, Phat Trien Seafood và Tuna Vietnam là 3 công ty XK nhiều nhất cá ngừ sang Hàn Quốc chiếm 66% tổng giá trị XK.
Phân tích nguyên nhân Hàn Quốc đẩy mạnh nhập cá ngừ, VASEP cho rằng đội tàu đánh bắt của Hàn Quốc đang là một trong những đội tàu đánh bắt hải sản lớn nhất trên thế giới và liên tục đạt sản lượng đánh bắt cao trong những năm qua. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, do lệnh cấm sử dụng thiết bị dẫn dụ cá (FADs) và nguồn lợi cá ngừ tại các ngư trường bị cạn kiệt đã khiến sản lượng đánh bắt cá ngừ của nước này sụt giảm.
Sản lượng khai thác giảm đã khiến cho nguồn cung nguyên liệu để phục vụ sản xuất cá ngừ chế biến đóng hộp giảm, Hàn Quốc phải tăng NK cá ngừ chế biến đóng hộp và cá ngừ sống/tươi/đông lạnh từ các nước. Với việc tăng NK cá ngừ đông lạnh, nguyên liệu để phục vụ sản xuất, Hàn Quốc đã dần giảm NK cá ngừ chế biến đóng hộp từ bên ngoài.
Tuy nhiên do sản lượng khai thác trong nước không ổn định vì nguồn lợi ngày càng cạn kiệt, nên vẫn phải NK thêm cá ngừ chế biến đóng hộp từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.