Chiều 26/11, với 92,13% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Luật gồm 10 chương, 135 điều quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Luật quy định rõ chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 30).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị quy định nội dung này như dự thảo; có ý kiến đề nghị quy định ở Luật Chứng khoán; có ý kiến đề nghị quy định ở cả Luật này và Luật Doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội quan điểm về phân định phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính nhất quán trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng, tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng; bảo đảm quyền và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định.
Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ tại Điều 123; chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại Điều 127 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9, còn thời gian để tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh lý bảo đảm tính chặt chẽ, có kiểm soát, đồng bộ với các quy định của Luật Chứng khoán và pháp luật có liên quan.
Cả hai luật này đều cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, vì vậy sẽ bảo đảm đồng bộ, không có khoảng trống pháp lý, do đó xin được giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Ngoài ra, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng quy định rõ mô hình và tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền, nghĩa vụ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và việc thành lập công ty con của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về cơ cấu tổ chức quản lý của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật này, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Quyền, nhiệm vụ của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát (Kiểm soát viên) thực hiện theo quy định của pháp luật và Điều lệ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ có ý kiến thống nhất chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất làm đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.
Có ý kiến đề nghị cần có các quy định mang tính định hướng và tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức điều hành hoạt động của thị trường, tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ-công ty con.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng mô hình 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán là phù hợp. Đây là bước thống nhất về bộ máy quản lý, điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên, giao dịch... thay vì 2 hệ thống giao dịch, 2 hệ thống chỉ số chứng khoán thuộc 2 Sở giao dịch chứng khoán như hiện nay.
Tuy nhiên, trước mắt chưa thể thực hiện ngay việc cơ cấu lại, sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán hiện nay thành một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất mà theo hướng phân định lại chức năng, nhiệm vụ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh để tổ chức, vận hành các thị trường chứng khoán riêng biệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán. Toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó sẽ tiến tới thống nhất 1 hệ thống chỉ số giao dịch.
Để bảo đảm bước đi phù hợp, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu chỉnh lý toàn bộ các điều của Chương IV dự thảo Luật (trọng tâm Điều 43, Điều 44, Điều 46). Trên cơ sở nguyên tắc này, dưới Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam-công ty mẹ sẽ tiếp tục duy trì 2 công ty con là 2 Sở giao dịch chứng khoán sau khi đã được tổ chức, sắp xếp lại và có thể có công ty con khác.
Khi điều kiện cho phép, Thủ tướng Chính phủ sẽ có thẩm quyền quyết định việc hình thành mô hình một Sở giao dịch chứng khoán duy nhất như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu mà không phải sửa đổi Luật.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.