Theo đó, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, hoàn thiện hồ sơ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023).
Nghị quyết Quốc hội gồm 3 nội dung: nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng (có giá trị 1 lần hoặc nhiều lần), cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ và nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Trước đó, Bộ Công an cũng vừa hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định về thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến 3 tháng.
Theo đánh giá của Bộ Công an, việc kéo dài thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày là xuất phát từ kiến nghị của nhiều cơ quan khi cho rằng, cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực. Mục tiêu là nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu dự kiến 650.000 tỷ đồng.