Chương trình phiên họp đầu tiên trong đợt 2 kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, sáng 8-6, Quốc hội nghe các báo cáo giải trình, dự thảo Nghị quyết và đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với tỷ lệ tán thành cao: 457/457 số ĐBQH có mặt, chiếm 94,62% tổng số ĐBQH.
Với trình tự tương tự, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) cũng đã được cơ quan lập pháp thông qua với tỷ lệ tán thành là 461/462 ĐBQH có mặt, bằng 95,45% tổng số ĐBQH.
EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57 - 5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Ngay sau khi Quốc hội bấm nút phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Nicolas Audier đã gửi đi thông điệp hoan nghênh. Thông điệp viết: “EuroCham hoan nghênh việc Quốc hội bỏ phiếu tích cực cho hai Hiệp định EVFTA và EVIPA. Hiệp định EVFTA sẽ sớm đi vào hiệu lực, trong khi Hiệp định EVIPA sẽ được triển khai sau khi được phê chuẩn bởi từng quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Sự kiện này cũng đánh dấu một khởi đầu mới trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. Thỏa thuận lịch sử này tượng trưng cho sự ghi nhận và tin tưởng đối với Việt Nam, khi đây là quốc gia thứ hai trong ASEAN mà Liên minh ký kết Hiệp định Thương mại tự do. EVFTA sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với thương mại và đầu tư gia tăng, bắt đầu quá trình loại bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại trong vòng mười năm tới. Hiệp định này cũng sẽ mở ra thị trường mới cho đầu tư và đổi mới của châu Âu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam. Bước tiếp theo là đảm bảo việc triển khai suôn sẻ và hiệu quả Hiệp định này. EuroCham cùng với 17 Tiểu ban Ngành nghề, đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để đảm bảo tất cả các bên có thể mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA trong hiện tại và tương lai.” Trên thực tế, EuroCham là một trong những tổ chức ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Hiệp định EVFTA ngay từ khi các cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra. |