"Hậu duệ mặt trời" cứu kinh tế Hàn Quốc

(ĐTTCO) - Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của khán giả tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa về kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu cho xứ kim chi.

(ĐTTCO) - Bộ phim “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của khán giả tại nhiều quốc gia trên thế giới và đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa về kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu cho xứ kim chi.

Đã có hơn 1,5 tỷ lượt xem qua website truyền hình trực tiếp của Trung Quốc iQIYI chỉ sau 10 tập đầu tiên. iQIYI- trang chiếu phim online lớn nhất của Trung Quốc-đã mua lại bản quyền với giá 250.000USD cho mỗi tập, nhưng ngay trong giai đoạn hậu kỳ và trước khi tập phim đầu tiên được trình chiếu, chi phí sản xuất 11,3 triệu USD đã hoàn vốn. Còn Nhật Bản đã mua bản quyền 100.000USD cho mỗi tập phim và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đề nghị mua bản quyền bộ phim này. Sự hâm mộ bộ phim trên toàn thế giới đã tạo ra hiệu quả kinh tế đáng kể tại Hàn Quốc. Doanh số bán các trang phục và mỹ phẩm các diễn viên sử dụng xuất hiện trong phim đã tăng gấp 10 lần so với tháng trước. Sản phẩm nước hồng sâm nhân vật nam trong phim ưa thích cũng tăng 176% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Địa điểm quay phim, nhà máy khai thác đá tại mỏ Hanbo, Taebaek, tỉnh Gangwon cũng nhanh chóng trở thành điểm thu hút khách du lịch.

GS. Kim Kwang-seok, thuộc chuyên ngành Nghiên cứu quốc tế hệ sau Trường Đại học Hanyang, cho biết trước năm 2014 xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng rất tốt nhưng đến năm 2015 đã ghi nhận tăng trưởng âm. Trên thực tế, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc như đóng tàu, thép, chất bán dẫn hay các sản phẩm công nghệ thông tin đã giảm mạnh tới 20%. Tuy nhiên điều đáng mừng là xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng có kết hợp nội dung văn hóa Hallyu (Hàn lưu - làn sóng văn hóa Hàn Quốc) vẫn không ngừng tăng lên. Cụ thể, xuất khẩu các hàng tiêu dùng nhờ vào Hallyu trong năm 2014 tăng 17,8% và năm 2015 tăng 33,3%. Ngoài mặt hàng mỹ phẩm rất được người nước ngoài quan tâm, lượng xuất khẩu các loại bia, đồ uống hay những sản phẩm gia dụng như xà phòng, phụ kiện trong phòng tắm cũng tăng lên đáng kể.

Mỹ phầm Hàn Quốc được phụ nữ nhiều nước yêu thích.
Mỹ phầm Hàn Quốc được phụ nữ nhiều nước yêu thích.

Khách hàng nước ngoài hâm mộ lối sống của Hàn Quốc trên phim nên họ cũng dễ dàng đón nhận các mặt hàng tiêu dùng của xứ sở kim chi. Theo ông Kim Kwang-seok, đây là lý do Hàn Quốc cần phải đảm bảo các nội dung văn hóa có thể xuất khẩu được xuất hiện nhiều hơn nữa trên các chương trình truyền hình, phim ảnh, âm nhạc. Và nhờ đó sẽ tăng lượng bán ra trên thị trường các sản phẩm mỹ phẩm, đồ trang sức, và đồ ăn nhẹ “made in Korea”. Chính phủ có thể lôi kéo các ngôi sao Hallyu tham gia tích cực hơn vào nỗ lực quảng cáo sản phẩm Hàn Quốc ra nước ngoài. Seoul có thể mở rộng các mặt hàng xuất khẩu từ hàng tiêu dùng sang hàng hóa lâu bền thông qua các triển lãm thương mại, giống như hội chợ xuất khẩu Hallyu, nơi những ngôi sao nổi tiếng quảng cáo các sản phẩm của Hàn Quốc để đạt được hiệu ứng. Việc phát triển thêm các nội dung văn hóa Hallyu là vô cùng quan trọng và cần tận dụng sự phổ biến đó để làm tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hàng tiêu dùng Hàn Quốc. Sự phổ biến của nội dung văn hóa Hàn Quốc tạo sự lan truyền cảm nhận tốt về xứ sở Kim chi trong lòng khán giả nước ngoài, và làm tăng doanh số bán các sản phẩm “made in Korea” trên thị trường quốc tế.

Các tin khác