"Lộ diện" nhà băng được phân hạng

Thở phào khi nhận được "trát" phân hạng tín dụng nhóm 2, một nhà băng ngay lập tức bắt tay vào hoạch định chiến lược kinh doanh cho năm 2012. Trong khi đó, một vài ngân hàng nhỏ khác đang lo lắng đợi chờ kết quả.

Thở phào khi nhận được "trát" phân hạng tín dụng nhóm 2, một nhà băng ngay lập tức bắt tay vào hoạch định chiến lược kinh doanh cho năm 2012. Trong khi đó, một vài ngân hàng nhỏ khác đang lo lắng đợi chờ kết quả.

Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamABank) Trần Anh Tuấn cho biết, ông rất vui khi nhận được thông tin từ Ngân hàng Nhà nước xếp NamABank vào nhóm 2, nhóm được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa 15%.

Với kết quả này, Hội đồng quản trị NamABank đã tiến hành họp bàn và đi đến thống nhất kế hoạch hoạt động cho năm 2012. Theo đó, về cho vay, nhà băng sẽ tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn mức từ 10 tỷ đồng trở xuống.

"Chúng tôi cũng hướng đến mục tiêu xuyên suốt là trở thành một ngân hàng an toàn, thân thiện, chất lượng dịch vụ tốt", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu chia sẻ, tuy chưa nhận được thông báo chính thức về phân hạng tín dụng nhưng với thực tế năng lực của ACB, ông tin rằng, nhà băng mình sẽ nhận được mức tăng tín dụng cao nhất 17% trong năm 2012 dành cho ngân hàng nhóm 1.

Khác với những ngân hàng đã nhận được phân hạng hoặc những nhà băng "ông lớn", lãnh đạo một ngân hàng có quy mô nhỏ, vừa tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng tỏ ra vô cùng lo lắng bởi sức ép quá lớn từ các cổ đông.

Ông cho biết, nhà băng vừa thuyết phục được các cổ đông khó tính chấp thuận "bơm" tiền tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh lại đang gặp khó nên khi đối mặt với rào cản phân hạng tín dụng, các cổ đông liên tục gọi điện hỏi thăm.

"Vừa mới tăng vốn, nếu bị xếp vào nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng nữa thì coi như tiêu. Bởi khi đó, chúng tôi khó lòng bảo toàn được đồng vốn và trả cổ tức ở mức cao nhất cho các cổ đông", lãnh đạo này chia sẻ.

Việc không công bố danh tính các ngân hàng thuộc nhóm 4 do liên quan đến tâm lý, hành vi rút tiền của người dân, và nguy cơ đổ vỡ của hệ thống. Tuy nhiên, trước đó, chiều ngày 14-2, trong cuộc họp của Chính phủ, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, có khoảng “mươi” ngân hàng trong nhóm 4.

Như vậy, số lượng ngân hàng có nguy cơ không được tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 không phải con số nhỏ. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không công bố danh tính, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tại kỳ Đại hội cổ đông sắp tới, chắc chắn các ngân hàng sẽ phải công bố thông tin này với cổ đông của mình.

"Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải sẵn sàng chuẩn bị các giải pháp chủ động xử lý các tình huống phát sinh nếu có", một chuyên gia lưu ý.

Nhìn nhận về việc phân hạng ngân hàng và chia hạn mức tín dụng theo nhóm, ông Toại, Phó tổng giám đốc ACB ví von, Ngân hàng Nhà nước cũng như là một người làm cha mẹ, còn các ngân hàng thương mại là những đứa con.

Trong lúc nền kinh tế khó khăn buộc bậc cha mẹ đó phải tìm biện pháp để bảo vệ con mình. Do đó, cách phân hạng mức tín dụng như trên được coi là biện pháp cần thiết trong bối cảnh này.

Cũng theo ông Toại, cách phân hạng sẽ làm cho các ngân hàng nhóm dưới phải nỗ lực cải thiện quản trị, kinh doanh để phấn đấu lên “chiếu trên”, tăng tính cạnh tranh cho hệ thống. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng đây là một biện pháp giúp thanh lọc hệ thống ngân hàng, ông này nhìn nhận.

Trong khi đó, một chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, ấn định hạn mức tăng trưởng tín dụng là một công cụ hành chính, nhưng hiện tại là giai đoạn cần có những công cụ kết hợp cả kinh tế lẫn hành chính.

"Tuy nhiên, biện pháp này không thể áp dụng liên tục. Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm cho toàn hệ thống là bao nhiêu, đồng thời điều hành qua các công cụ gián tiếp", ông nói.

Các tin khác