(ĐTTCO) - Hàng trăm độc giả Việt Nam dở khóc dở mếu khi tham gia góp tiền trước để Công ty Alpha Books dịch và in quyển Xứ Đông Dương của vị toàn quyền người Pháp Paul Doumer, đến khi sách in xong thì một số chuyên gia phát hiện quyển này dịch sai rất nhiều chỗ.
Để xuất bản và phát hành quyển Xứ Đông Dương (nguyên tác tiếng Pháp: L'Indo-Chine française: Souvenirs), từ tháng 10-2015, Công ty Alpha Books kêu gọi cộng đồng độc giả tham gia một hình thức “bán cuốn sách trước khi in trong vòng hơn hai tháng".
Cụ thể, Alpha Books và VICC (Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam) kêu gọi độc giả tham gia một hình thức mua sách mới: chuyển trước tiền vào tài khoản ngân hàng để đăng ký mua sách với giá 200.000 đồng/cuốn nếu mua một cuốn, 175.000 đồng/cuốn nếu mua 2-5 cuốn và 150.000 đồng/cuốn nếu mua 6-10 cuốn.
Đến khi chốt danh sách vào ngày 14-12-2015, có tổng cộng 311 người góp tiền mua quyển sách này khi bản thân quyển sách còn chưa thành hình. Cuối tháng 12-2015, phía Alpha Books in xong quyển Xứ Đông Dương và cho phát hành. Bản dịch là sản phẩm của năm dịch giả: Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy.
Tuy nhiên, ngay khi quyển sách Xứ Đông Dương vừa được lưu hành, trên trang Facebook cá nhân của mình, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng (thành viên Viện Toán Toulouse - Pháp, và là sáng lập viên của Công ty sách và giáo dục Sputnik Education chuyên làm sách toán, khoa học và thường thức cho thiếu nhi ở Việt Nam) bày tỏ sự thất vọng khi đọc qua bản dịch của Alpha Books.
“Sách hay nhưng dịch sai kinh hoàng!” là lời cảm thán của giáo sư Nguyễn Tiến Dũng trên trang Facebook của ông. Tiếp theo, ông liệt kê “ví dụ” các lỗi sai trong quyển này. Chẳng hạn, có những chỗ nguyên tác viết là “chưa đến” thì bản dịch thành “hơn”, như ở trang 90: “chưa đến nửa thế kỷ” đã bị dịch thành “hơn nửa thế kỷ”.
Hay như ở trang 89, khi phát hiện từ “đã quan tâm” (s'en occuper) bị dịch thành “đã chiếm được” trong câu “Người Pháp đã chiếm được Đông Dương vào thế kỷ XVII và XVIII” thì giáo sư Nguyễn Tiến Dũng không kìm được đã ghi luôn ba chữ “ối giời ôi” vào trang sách (ảnh).
Trang sách với lỗi sai và dòng chữ đầy bức xúc của GS Nguyễn Tiến Dũng. |
Đây không chỉ là dịch sai chữ mà kiến thức lịch sử của người dịch cũng thật giống các bài làm chết cười của học sinh thường thấy, khi cho rằng Pháp chiếm Đông Dương từ thế kỷ 17-18. Chưa hết, khi quyển Xứ Đông Dương phát hành vào đến TP.HCM, ngày 8-1 vừa qua, anh Trần Văn Duy - người có nhiều năm hoạt động trong giới xuất bản và có nghiên cứu về văn hóa Huế - đã nhanh tay mua một quyển và lại lập tức bức xúc vì lỗi dịch sai.
Anh Duy đã dẫn ra trên trang Facebook cá nhân của anh một đoạn “sai điển hình” ở trang 320 và đối chiếu với bản tiếng Pháp sách gốc để chỉ ra các lỗi sai thuộc loại không thể chấp nhận được. Chẳng hạn, chữ “des objets divers” bị dịch thành “kinh thư” (?), từ “objets diver là những đồ linh tinh vua dùng thường ngày như chén bát ly tách, cơi trầu, điếu thuốc... gồm cả thơ văn ngự chế, chứ không có kinh sách chi ở đây hết. Dịch đồ ngự dụng là được rồi”.
“Des hautes tablettes de metal contant ses merites et ses hauts faits là mấy cái hoành phi bằng đồng treo trên cao” nhưng trong sách này dịch thành “bia đá”. Và nhiều lỗi kiến thức khác nhau liên quan kiến thức văn hóa lịch sử của nội cung triều Nguyễn.
Trao đổi về sự cố này, ông Nguyễn Cảnh Bình - chủ tịch hội đồng quản trị của Alpha Books, giám đốc VICC - cho biết: “Xứ Đông Dương là một cuốn sách khó. Mặc dù đã hết sức cố gắng, song êkip biên dịch và biên tập của Alpha Books và VICC đã không thể tránh được các sai sót khi xuất bản cuốn sách Xứ Đông Dương. Alpha Books và VICC cảm ơn và ghi nhận sự góp ý của độc giả và sẽ tiến hành sửa chữa, tái bản cuốn sách vào tháng 3-2016.
Alpha Books cũng quyết định dừng phát hành bản in hiện tại và đổi lại bản tái bản cho tất cả độc giả đã đóng góp tiền xuất bản cuốn sách cũng như đã mua cuốn sách do Alpha Books phát hành. Độc giả đã mua sách của Alpha Books có thể gửi thông tin về email crobo@vicc.org.vn để đăng ký đổi sách. Xin cảm ơn sự tin tưởng của quý vị độc giả”.
Quyển sách này của Paul Doumer vốn không lạ trong giới nghiên cứu Đông Dương. Bản thân Paul Doumer khi làm toàn quyền Đông Dương đã thực hiện được nhiều chương trình, công trình quan trọng cho dân bản xứ.