Không ít NH, nhất là với những NH đang tái cơ cấu, đã không chia cổ tức cho cổ đông 2 năm qua. Theo lãnh đạo NHNN, trước bối cảnh khó khăn hiện nay và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng đòi hỏi hoạt động NH đảm bảo được rủi ro, vì thế nguồn lợi nhuận đạt được trước hết phải ưu tiên dành cho trích lập dự phòng nên khó kỳ vọng chia cổ tức cho cổ đông.
Lợi nhuận NH trong những năm gần đây sụt giảm đáng kể, thậm chí những NH đang tái cấu trúc hay trong thời kỳ hậu M&A không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà chủ yếu dành trích dự phòng rủi ro và phục vụ cho quá trình tái cơ cấu, hoặc nếu có chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vì thế, cổ đông của không ít NH phản ứng là điều dễ hiểu. Đơn cử như MeKong Bank, năm 2013 vẫn chưa thực hiện việc chi trả cổ tức 2012 cho cổ đông dù chỉ ở mức thấp 2,5% và cũng không tạm ứng đợt cổ tức nào cho cổ đông hiện hữu. Sở dĩ cổ tức của MeKong Bank chỉ ở mức thấp trong 2 năm gần đây do lợi nhuận NH này sụt giảm mạnh, chưa đạt 50% kế hoạch NH xây dựng trước đó.
Thực tế các NH nhỏ đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình tăng vốn 3 năm vừa qua, do thị trường chứng khoán giảm, cổ phiếu NH tụt dốc và cổ đông hiện hữu cạn tiền. Vì thế, các NH đã thực hiện việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn. |
Hay như Southern Bank (NHTMCP Phương Nam) cũng chưa thực hiện kế hoạch chi trả cổ tức 2012 dù chỉ ở mức rất thấp 2,5% cho cổ đông và kế hoạch cổ tức 5% năm 2013 đã được ĐHCĐ thường niên đưa ra năm ngoái đến nay vẫn chưa tạm ứng đợt nào.
Trong khi đó, báo cáo tài chính 9 tháng năm 2013 của NH này cho thấy vẫn đạt trên 50% kế hoạch xây dựng cho cả năm. Southern Bank đang lên kế hoạch sáp nhập vào Sacombank và điều này cũng được các cổ đông chờ đợi đến kỳ ĐHCĐ của Sacombank diễn ra vào ngày 25-3 tới, để có thể biết được chi tiết đề án sáp nhập cũng như tỷ lệ cổ phần chuyển đổi ra sao, có đảm bảo quyền lợi cổ đông…
Trường hợp không trả cổ tức năm 2012 và chưa tạm ứng cổ tức 2013 còn có thể kể đến như VietABank hay một số NH khác. Cụ thể, 2 năm qua VietABank chưa thực hiện việc chi trả đồng cổ tức nào cho cổ đông. Theo lý giải của VietABank, nguồn lợi nhuận thu về trong năm trước chủ yếu dành để trích dự phòng, nên cổ tức được NH chi trả bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng.
Năm ngoái, VietABank lên kế hoạch phát hành 40,2 triệu cổ phiếu (tương đương 402 tỷ đồng), bao gồm trên 12,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 để chi trả cổ tức năm 2012; trên 10,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần; gần 6,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và dự kiến phát hành trên 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, các cổ đông chiến lược.
Thế nhưng, đến hết năm 2013, kế hoạch tăng vốn của VietABank vẫn chưa hoàn thành. Vậy nên mới có chuyện cổ đông phản ứng không nhận được cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt nào của VietABank từ năm 2012. Hiện VietABank cho biết đang cố gắng để có thể hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong thời gian sớm nhất của năm nay.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ phía NHNN chi nhánh TPHCM, kế hoạch trên vẫn đang được xem xét. Cổ tức năm 2012 (4%) đang treo, còn cổ tức 2013 (ĐHCĐ năm ngoái thông qua 6%) phải chờ đến mùa ĐHCĐ năm nay nhưng chưa chốt ngày. Từ đầu năm đến nay, VietABank cũng chưa hề công bố báo cáo tài chính quý hay năm 2013.
![]() |
Giới thiệu sản phẩm mới tại MeKongBanh. Ảnh: LONG THANH |
Không chỉ với NH nhỏ, mà ngay cả những NH vốn trên chục ngàn tỷ đồng cũng gặp khó khăn trong vấn đề chi trả cổ tức cho cổ đông để tăng vốn điều lệ. Đa phần các NH đang trong quá trình tái cơ cấu nên không có chủ trương chi trả cổ tức cho cổ đông khiến không ít cổ đông bức xúc. Do vậy lãnh đạo nhiều NH cho biết mong được cổ đông thông cảm và chia sẻ, vì lợi nhuận chủ yếu dành để bổ sung vào nguồn tái cơ cấu.
Đứng dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng trong bối cảnh hiện nay để có thể kỳ vọng được cổ tức ở những NH đang quá trình tái cấu trúc là không thể. Một phần do hoạt động của NH trong những năm qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, như tín dụng khó tăng trưởng, nợ xấu tăng khiến trích lập dự phòng cao, lợi nhuận sụt giảm mạnh nên không còn cổ tức để chia.
Thực tế trong năm 2012, lợi nhuận của các NH trên địa bàn chỉ bằng 5% của năm 2011, sang năm 2013 có phần khá lên nhưng vẫn chưa bằng 50% của 2011. Vì thế, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế được các NH đưa ra cho năm nay theo ông Dũng cũng là một thách thức lớn và không dễ thực thi trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.