Quỹ bình ổn xăng dầu có còn cần thiết?

(ĐTTCO)-Đại diện các Bộ Tài chính và Công thương đã đưa ra câu trả lời cho vấn đề Quỹ bình ổn xăng dầu được các phóng viên nêu ra tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022.
Quỹ bình ổn xăng dầu có còn cần thiết?

Quỹ bình ổn xăng dầu có còn cần thiết?

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng diễn ra chiều tối 6/9, các phóng viên đã đặt câu hỏi cho liên bộ Tài chính, Công Thương về việc trong nhiều kỳ điều hành xăng dầu liên tiếp gần đây, nhà điều hành đã trích lập tiền vào quỹ xăng dầu cao. Việc trích lập như vậy có gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp không? Với dự thảo Luật giá sửa đổi, qua thời gian biến động vừa qua, các cơ quan có cho rằng đây là thời điểm bỏ quỹ bình ổn giá để điều hành xăng dầu theo giá thị trường hay không?

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Quỹ bình ổn giá là công cụ giảm chấn trong trường hợp giá xăng dầu tăng/giảm mạnh trên thị trường thế giới. Qua đó đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng: “Quỹ này không cho ai mà phục vụ quyền lợi người tiêu dùng. Quỹ có các dụng điều hoà, giảm sốc khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh”.

Về dự thảo Luật giá sửa đổi, Thứ trưởng Chi cho biết, khi soạn thảo dự án Luật này, Bộ Tài chính đã đưa ra một số phương án khác nhau để đánh giá về việc có giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, dư luận để có những đánh giá và trình cấp thẩm quyền lựa chọn phương án phù hợp nhất cho nền kinh tế.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: “Quỹ bình ổn xăng dầu khi sẽ trích, sẽ chi, chứ không mất đi đâu cả. Quan trọng là trích lúc nào, chi vào lúc nào”.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, khi giá xăng dầu giảm mạnh thì trích một phần đưa vào quỹ bình ổn và khi giá tăng thì chi để giảm tác động của việc tăng giá xăng dầu.

“Nếu để giá xăng tăng đúng mức độ, không có quỹ bình ổn thì giá các mặt hàng sẽ tăng cao hơn. Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách Nhà nước, không hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, toàn bộ quỹ được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu trong nước”, ông Hải nhấn mạnh.

Nguyên nhân khiến giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng

Với nội dung liên quan tới việc lần đầu tiên giá dầu trong nước cao hơn giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thị trường thế giới từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng do xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường Châu Âu và Mỹ giảm, nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hoả tăng để thay thế khí đốt. Việc này dẫn đến giá các sản phẩm dầu tăng khá cao, tương đương hoặc cao hơn giá xăng. Những tháng gần đây để chuẩn bị cho mùa đông, giá dầu đã tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng. 

Theo đại diện Bộ Công thương, trong nước do cơ cấu giá xăng và dầu, các mức chi phí, thuế kinh doanh định mức rất khác nhau. Thực tế, thuế nhập khẩu dầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0 - 0,72%, trong khi thuế nhập khẩu xăng là 9,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%, xăng là 8 - 10%.

“Do đó bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay cao hơn giá dầu. Tuy nhiên từ kỳ điều hành 5.9, do giá xăng dầu thế giới chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng đến 30 - 35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng”, ông Đỗ Thắng Hải lý giải.

Ông Hải cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những tham mưu chính sách sao cho phù hợp nhất với nền kinh tế.

Các tin khác