Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định hiện hành như luật hóa các thủ tục và phương pháp đang áp dụng trên thực tế; đồng thời xây dựng hoặc sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến một số vấn đề bao gồm: thu tiền đặt cọc, việc lựa chọn quốc gia thay thế; thời hạn nộp thông tin thực tế mới; thuế suất riêng rẽ; lựa chọn các bị đơn để điều tra; áp dụng dữ liệu bất lợi sẵn có; các khoản trợ cấp và một số sửa đổi khác.
Về quy định về thu tiền đặt cọc: Quy định mới xác định rõ khi nào áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị (per-unit basis) thay vì theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị nhập khẩu (ad valorem). Trong một số trường hợp, DOC có thể yêu cầu tính theo đơn vị nếu không có đủ thông tin để tính theo phương pháp ad valorem hoặc việc áp dụng mức tiền đặt cọc theo đơn vị phản ánh chính xác hơn thực tế giao dịch.
Về quy định về lựa chọn quốc gia thay thế: Chuyển sang sử dụng GDP (thay cho GNI như quy định cũ hay sử dụng cả GDP và GNI như dự thảo tháng 7 năm 2024) để xác định các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế tương đương với từng quốc gia có nền kinh tế phi thị trường. Danh sách các quốc gia thay thế cho Việt Nam (cập nhật hàng năm) sẽ được DOC công bố sau khi ban hành quy định mới này.
Xem xét các quốc gia là nhà sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh với hàng hóa đang được đề cập. Theo đó, sau khi ban hành danh sách quốc gia thay thế, DOC sẽ tiếp tục chọn quốc gia là nhà sản xuất đáng kể hàng hóa có thể so sánh trong số các quốc gia tương đồng về kinh tế.
Nếu có hơn một quốc gia có sự phát triển kinh tế tương đương và sản xuất hàng hóa tương tự có thể được xem là quốc gia thay thế tiềm năng, DOC sẽ xem xét tổng thể thông tin khi lựa chọn quốc gia thay thế. Các tiêu chí này bao gồm: Tính sẵn có, khả năng tiếp cận dữ liệu và chất lượng dữ liệu từ các quốc gia đó và sự tương đồng của các sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia thay thế tiềm năng so với hàng hóa bị điều tra.
Về thời hạn nộp thông tin thực tế mới: Sửa đổi quy định về thời gian nộp các thông tin thực tế theo hướng chặt hơn: muộn nhất 60 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ hoặc kết quả rà soát sơ bộ trong vụ việc chống bán phá giá và 45 ngày trong vụ việc chống trợ cấp (trong khi thời hạn cũ là muộn nhất 30 ngày) để DOC có thêm thời gian xem xét các đề xuất về nước/giá trị thay thế để tính toán biên độ chống bán phá giá và ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế để tính toán biên độ trợ cấp cho các nước có nền kinh tế phi thị trường.
Ngoài ra còn có những thay đổi trong việc xác định thuế suất riêng rẽ cho các doanh nghiệp thuộc các nước có nền kinh tế phi thị trường. DOC cũng bổ sung quy định về lựa chọn bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện; áp dụng dữ liệu bất lợi sẵn có; các khoản trợ cấp.
Theo đánh giá, quy định sửa đổi lần này được ban hành chỉ trong vòng chưa đầy 01 năm kể từ lần sửa đổi gần nhất (có hiệu lực ngày 24-4-2024). Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu nghiên cứu kỹ quy định Phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ.