Vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản số 828/BCT-ĐL gửi xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII). Nhiều ý kiến đã đóng góp và giải trình các vấn đề trong dự thảo trên.
Đánh giá lại nhu cầu phụ tải
Theo ý kiến đóng góp cho Quy hoạch Điện VIII từ các đơn vị như Cục Công nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện miền Trung, Tổng công ty Truyền tải điện miền Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang tương đối cao so với các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội (kịch bản cơ sở tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 là 9,1%, giai đoạn 2026-2030 là 7,9%).
Điều này sẽ dẫn đến yêu cầu đầu tư nguồn và đầu tư lưới điện truyền tải sẽ tăng cao so với nhu cầu thực tế.
Trên thực tế thời gian qua, tăng trưởng điện thương phẩm có xu hướng giảm dần; trong đó giảm từ 11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Do đó, các đơn vị này kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tốc độ tăng trưởng phụ tải phù hợp để có kịch bản cân đối cung cầu và nhu cầu đầu tư nguồn, lưới phù hợp với thực tế. Mặt khác, cơ quan này cũng cần xem xét yếu tố ảnh hưởng do dịch bệnh trong dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, theo ý kiến của Cục Điều tiết Điện lực- Bộ Công Thương, trong giai đoạn tới, các nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở miền Nam, thì cung cầu nội miền của miền Nam sẽ thay đổi.
Bên cạnh đó, đầu tư cho khu vực Tây Nam bộ nói riêng, miền Nam nói chung tăng lên (Tây Nam Bộ sẽ có thêm 7 tuyến cao tốc), thì xu hướng phụ tải hiện nay có thể bị ảnh hưởng nhất định, cần cập nhật các định hướng phát triển kinh tế của các vùng miền để dự báo phụ tải được chính xác hơn.
“Dự thảo chưa có các tính toán, đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển điện Mặt Trời mái nhà đến dự báo nhu cầu phụ tải điện. Đề nghị bổ sung đánh giá ảnh hưởng của điện Mặt Trời mái nhà và cập nhật lại kết quả dự báo phụ tải các giai đoạn.
Điện Mặt Trời mái nhà mới vào vận hành và chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong nhiều năm để có thể xây dựng một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải ở cấp truyền tải,” ý kiến của Cục Điều tiết Điện lực và Truyền tải điện miền Nam nêu.
Giảm tỷ lệ năng lượng tái tạo
Theo ý kiến từ các bộ, ngành như Bộ Khoa học công nghệ và các đơn vị truyền tải điện, trong dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng Mặt Trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%).
Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện Mặt Trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện Mặt Trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia...
Do vậy, các ý kiến đề nghị rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 -20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.”
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.
Các ý kiến cũng cho rằng, giảm tỷ lệ năng lượng tái tạo sao cho phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (NQ55), cụ thể 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.
Theo ý kiến góp ý của EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, trong giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ dự phòng thô của hệ thống điện (bao gồm cả các nguồn điện năng lượng tái tạo) là tương đối cao, khoảng 70% năm 2025 và 60% năm 2030.
Điều này dẫn đến việc các nhà máy nhiệt điện than và khí sẽ có Tmax (thời gian vận hành công suất cực đại) hàng năm thấp, có thể phải cắt giảm công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tại một số thời điểm cũng như không tận dụng tối đa hiệu quả của các nguồn điện khác như nhiệt điện khí tự nhiên, thủy điện.
Do vậy, Bộ Công Thương cần xem xét, đánh giá kỹ vấn đề nêu trên để có đề xuất phát triển nguồn điện phù hợp và sớm có kế hoạch liên kết lưới điện khu vực để mua bán, trao đổi điện năng giữa các nước, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, tránh trường hợp lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư.
Giải pháp thu hút vốn
Cơ chế đấu thầu hiện đang được Bộ Công Thương xem xét đưa vào Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên, theo các ý kiến chuyên gia, hiện các quy định về đấu thầu chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh cả về pháp lý lẫn kỹ thuật, công nghệ.
Các chỉ tiêu thông số đầu vào của dự án nguồn điện đưa ra đấu thầu rất cần có các chỉ tiêu thông số cụ thể về quy mô, công nghệ, vị trí và chế độ huy động công suất, năng lượng và giá mua điện.
Đây là bài toán phức tạp khó có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh ngành điện Việt Nam đang tiến tới thị trường chào giá cạnh tranh. Với chế độ huy động công suất của các nguồn điện chạy nền dự kiến trong Quy hoạch điện VIII hiệu quả đầu tư sẽ giảm đáng kể, không hấp dẫn các nhà đầu tư.
Vì vậy, bài toán huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành điện hiện đang rất khó khăn, trong giai đoạn sắp tới sẽ còn khó khăn gấp bội.
Các góp ý cho rằng trong chương 18 đề án đã đề xuất các cơ chế giải pháp để thu hút đầu tư, đảm bảo vận hành hệ thống điện và thị trường điện, song cần hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo tính linh hoạt trong hệ thống tích hợp quy mô lớn nguồn điện gió và Mặt Trời, cơ cấu biểu giá điện cũng phải thay đổi để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo.
Việc xây dựng các cơ chế và các giải pháp cần phải thực hiện ngay để đảm bảo thu hút đầu tư theo định hướng phát triển...