Gian nan ngầm hóa
Để nâng cao độ an toàn hệ thống lưới điện, giảm tác động từ bên ngoài có thể dẫn đến sự cố, từ năm 2009, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã triển khai ngầm hóa lưới điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin. Đến nay lưới điện trung và hạ thế kết hợp dây thông tin toàn TP đã được ngầm hóa gần 2.800km.
Tuy vậy, hiện nay chỉ trừ các quận 1, quận 3, các quận, huyện còn lại của TPHCM có hệ thống điện, cáp viễn thông vẫn còn chằng chịt. Trong khi đó, hệ thống trụ điện trên địa bàn TP hiện nay không chỉ đỡ hệ thống dây điện truyền tải, mà còn phải gánh thêm hàng chục loại cáp viễn thông.
Tại khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), nơi được xem là khu dân cư hiện đại, cao cấp mới xây dựng, theo quy hoạch phải được ngầm hóa đồng bộ hệ thống cáp viễn thông và lưới điện ngầm để hình thành khu dân cư kiểu mẫu.
Tuy nhiên, đến nay đường dây điện vẫn tồn tại song song hệ thống cáp ngầm. Thực tế những năm qua, trên địa bàn TPHCM có những khu vực được quy hoạch làm khu dân cư kiểu mẫu, hạ tầng rất đẹp nhưng sau một thời gian ngắn bắt đầu có dấu hiệu ngổn ngang, xấu xí. Ban đầu, chủ đầu tư xây dựng, quy hoạch rất bài bản, nhưng sau khi giao cho người dân đã bị thay đổi. Nhu cầu thêm cáp viễn thông, cáp truyền hình khiến khu vực đó xuất hiện dây và trụ.
Hệ thống điện và cáp viễn thông chằng chịt trên các cột điện ở hầu hết các con đường TPHCM.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết sau gần 10 năm, Tổng công ty đã thực hiện ngầm hóa được 39% lưới điện trung thế và 14% lưới điện hạ thế. Việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin liên lạc không những làm tăng mỹ quan đô thị, giảm tình trạng mất an toàn lưới điện, mà nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Dù đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, nhưng EVN HCMC vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi triển khai các dự án ngầm hóa.
Cụ thể, các thủ tục thỏa thuận tuyến, thẩm tra thiết kế, cấp phép xây dựng... tuy đã có đổi mới, nhưng nhìn chung vẫn kéo dài, một phần do vỉa hè một số tuyến đường khá chật hẹp, không đủ mặt bằng tái bố trí, lắp đặt thiết bị. Trong khi đó, việc phối hợp hạ ngầm dây thông tin của các doanh nghiệp viễn thông vẫn còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hồi trụ điện.
Không những thế, sau khi thực hiện ngầm hóa, các thiết bị trước đây lắp trên trụ điện như, trạm biến thế, thiết bị đóng cắt và các hộp phân phối dây điện, hộp đấu nối dây thông tin phải bố trí lại trên vỉa hè. Mặc dù các vị trí lắp đặt này đã được Sở Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương thống nhất, được sự đồng thuận của đa số các hộ dân, nhưng khi thi công cũng còn gặp nhiều trở ngại, do tâm lý một số người dân không muốn lắp đặt tại vỉa hè phía nhà mình.
Số liệu từ EVN HCMC cho thấy, TP hiện vẫn còn khoảng 13.400km đường dây điện cao thế, trung thế và hạ thế, cùng với hệ thống cáp viễn thông trên 211.860 cột điện mà ngành điện đang quản lý, là một thách thức lớn cho việc ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Theo tính toán chưa đầy đủ, kinh phí đào hào kỹ thuật ngầm hóa lên tới 18 tỷ đồng/km, cộng thêm chi phí thiết bị riêng cho ngầm hóa lưới điện sẽ đội lên là 36 tỷ đồng/km.
Phải có quy hoạch ngầm
Khó vì vốn một phần, khó trong công tác ngầm hóa hiện nay gấp bội, chủ yếu là do đặc thù quy hoạch đô thị. Đó là sau khi thực hiện ngầm hóa, toàn bộ trụ các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như: trạm biến thế, tủ đóng cắt và các tủ điện hạ thế phải bố trí lại trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường nội đô hiện khá chật hẹp, không đủ mặt bằng để lắp đặt thiết bị. Một số tuyến đường thậm chí không có vỉa hè, hoặc đã bố trí trước đó nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gây khó khăn trong tìm kiếm vị trí lắp đặt thiết bị.
Phải có quy hoạch ngầm
Khó vì vốn một phần, khó trong công tác ngầm hóa hiện nay gấp bội, chủ yếu là do đặc thù quy hoạch đô thị. Đó là sau khi thực hiện ngầm hóa, toàn bộ trụ các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như: trạm biến thế, tủ đóng cắt và các tủ điện hạ thế phải bố trí lại trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường nội đô hiện khá chật hẹp, không đủ mặt bằng để lắp đặt thiết bị. Một số tuyến đường thậm chí không có vỉa hè, hoặc đã bố trí trước đó nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gây khó khăn trong tìm kiếm vị trí lắp đặt thiết bị.
Sức ép của một đô thị xấp xỉ 13 triệu dân đang buộc TPHCM phải tính tới chuyện khai thác không gian ngầm, để giảm bớt áp lực quá tải về hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, bên dưới lòng đất tưởng yên bình hóa ra cũng đang "nhộn nhịp" không kém với vô số dây cáp, đường cống chằng chịt... Đây là bài toán nan giải khi cơ quan chức năng bắt tay vào lập một quy hoạch xây dựng không gian ngầm. Các chuyên gia về quản lý đô thị cho rằng, tại TPHCM quy hoạch đô thị diễn ra muộn hơn, chưa có kế hoạch sử dụng đất hợp lý dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu trầm trọng các khu không gian mở và đất giao thông. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng ngầm là việc làm cấp thiết, không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn cải thiện cảnh quan đô thị, giảm áp lực trên mặt đất.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng tại TPHCM, việc phát triển không gian ngầm đã đặt ra từ lâu, nhưng vướng quy định về tài nguyên dưới mặt đất. Vì vậy cần sớm hoàn thiện quy hoạch phát triển không gian ngầm. Khi đó, không gian ngầm sẽ là nơi san sẻ áp lực quá tải cho mặt đất.
Trước những bức bách như trên, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, hạ ngầm lưới điện và cáp viễn thông tại 61 tuyến công trình, với tổng khối lượng thi công các công trình là 147,8km.
Việc phát triển không gian ngầm, hay việc ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông là đòi hỏi tất yếu, khi nhu cầu xây dựng ngày càng cao tại khu vực trung tâm TP và nội thành, cùng với sự khan hiếm diện tích đất xây dựng. Song công trình ngầm có thể gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến địa chất, thủy văn và các công trình trên mặt đất. Do vậy, phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong quy hoạch không gian ngầm. Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM |