Nguyên nhân là bê tông hóa bề mặt cao quá, khu vực các quận trung tâm đã lên đến hơn 80%, thậm chí 90%, hiện tượng đảo nhiệt thường xuyên xảy ra, nhất là vào đầu mùa mưa, khi nước từ trên cao dội xuống "cái chảo lửa làm cho nước sôi lên". Bê tông hóa bề mặt đồng nghĩa với mảng xanh (cây xanh, thảm cỏ, hồ nước) bị thu hẹp.
Khi hiện đại hóa Sài Gòn, người Pháp chủ trương tạo ra một thung lũng xanh ở khu vực hạt nhân, không có nhà cao tầng, ngoài nhà thờ Đức Bà cao nhất, các nhà còn lại chỉ có một trệt và một lầu, cả khu vực trung tâm chỗ nào cũng tràn ngập màu xanh của cây xanh và thảm cỏ.
Từ 1995 trở đi, các công trình xây dựng mọc lên, các con đường mới mở ra, đồng nghĩa với quá trình triệt hạ cây xanh. Dẫu vẫn biết là xây dựng mới phải chấp nhận phá bỏ như một sự đánh đổi, nhưng rõ ràng trong nhiều trường hợp chủ đầu tư đã làm quá mức cần thiết.
Chắc hẳn ai đi trên đường Tôn Đức Thắng hiện nay đều tiếc cho con đường đẹp nhất Sài Gòn. Điều đặc biệt nhất của con đường này là cây xanh không phải là hàng đôi như mọi đường khác mà là hàng tư. 258 cây xà cừ hơn 100 tuổi đan kết vào nhau tạo thành vòm xanh như hành lang che nắng. Nhưng để làm cầu Thủ Thiêm 2, chủ đầu tư đề xuất và được TP phê duyệt, đã chặt bỏ cùng lúc 258 cây, nay cả con đường không còn cây nào.
Những hình ảnh con đường rợp bóng cây xanh như thế này ở TPHCM ngày càng hiếm, hay nói đúng hơn chỉ còn là dĩ vãng. |
Thực tế, hoàn toàn có thể giữ lại ít nhất 1/3 số cây tính từ giao cắt Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng đến Đan Viện Cát Minh, hoặc chí ít cũng nên giữ lại vài cây để làm kỷ niệm.
Đúng lý ra, 258 cây này theo Luật Di sản được xếp hạng là cây di sản với tuổi đời hơn 100 năm, trở thành vốn quý của nhân dân TP. Đứng ở đầu đường nhìn lên thấy trục đường dẫn lên cầu hoành tráng thật, nhưng hơi thiếu duyên vì quá trơ trọi, nắng gắt, thật tiếc.
Những trường hợp phá bỏ cây xanh như thế ở TP này nhiều kể không hết. Việc chỉnh trang bến Bạch Đằng rộng 18.600m2 trở thành công viên cho người dân vui chơi là cần thiết. Nhưng không biết “sáng kiến” của ai mà tất cả 178 cây xanh có tán ở đây bị bứng đi hết. Vì thế, sau khi công trình hoàn thành nơi đây trở nên nóng gay gắt khiến không ai lai vãng vào ban ngày, chỉ có chiều tối mới bắt đầu có người qua lại.
Những bức ảnh chụp từ trên cao xuống thấy đẹp nhưng nhìn theo chiều ngang chỉ có 3 thứ là cột đèn điện, các cục bê tông để ngồi và cỏ. Mất hơn 100 tỷ đồng mà tạo ra một nơi được gọi là “lò nung” quả là tiếc.
Những ai sống ở Sài Gòn lâu còn nhớ, hoặc xem lại ảnh xưa cũ, sẽ thấy trục đường Nguyễn Huệ trước đây xanh rợp hai hàng cây cao chạy suốt từ bờ sông đến sát bùng binh, bên dưới là những kios nhỏ bán hoa tươi, báo, đồ lưu niệm. Thế nhưng, con đường này nay chỉ còn là trục đường bê tông thẳng băng, trần trụi bốc hỏa, điểm xuyết mấy bức tượng trang trí, vài bụi cây cảnh trồng cho vui hoàn toàn không có tác dụng làm mát không gian.
Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, cách đây 15 năm TPHCM đã cho mở một loạt con đường cắt ngang các công viên. Trong số đó phải kể đến các công trình mở đường Nguyễn Thị Nghĩa cắt ngang qua Công viên 23-9; đường Trương Định cắt ngang qua Công viên Tao Đàn; mở rộng đường Hoàng Minh Giám cắt qua Công viên Gia Định. Việc mở đường này được coi là giải pháp tình thế để giải quyết ùn tắc giao thông cục bộ, nhưng nó không chỉ làm giảm mảng xanh, còn làm các công viên không còn liền mạch, phá vỡ bầu không khí yên lành vốn có của công viên.
Cũng cần nói thêm, việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất làm mái che trên đường Lê Lợi đã gặp phải phản ứng trái chiều, chưa đồng thuận của người dân, cho thấy sự tiếc nuối về một trục đường đẹp nhiều cây xanh, nay chỉ còn một bên, bên còn lại được thay thế bằng các vật liệu khô cứng.
Trong thời gian tới, một số công trình tiếp tục mọc lên và cây xanh sẽ lại bị triệt phá. Đó là dự án nút giao An Phú trên đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức phải đốn bỏ 1.300 cây xanh hơn 20 năm tuổi. Hay dự án giao thông ở đường Hoàng Hoa Thám và đường Hoàng Minh Giám phục vụ cho lưu thông ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ đốn hạ 123 cây xanh.
TPHCM có diện tích cây xanh tính trên đầu người vỏn vẹn 0,7m2/người, thấp nhất so với các TP khác trong cả nước và các TP trong khu vực Đông Nam Á. Trong những năm qua, TP dù đã cố gắng nhưng chưa cải thiện được chỉ số quan trọng này.
Thực trạng này đòi hỏi TP cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi ra quyết định đốn bỏ cây để thực hiện các dự án. Trong trường hợp phải đốn bỏ cần có kế hoạch trồng bù (ở địa điểm khác) và thay thế những loại cây khác trong khả năng có thể.