Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện Đồ án dưới nhiều góc độ, như quy hoạch đô thị, văn hóa- xã hội, môi trường, giao thông, đầu tư, xây dựng… Tuy nhiên trong quá trình thảo luận, góp ý cần tập trung vào 3 nội dung chính.
Thứ nhất, các ý kiến thể hiện sự phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, công tác quy hoạch chung của TPHCM đã và đang thực hiện.
Thứ hai, có sự kế thừa, định hướng phát triển của TPHCM.
Thứ ba, chỉ ra được tính khả thi của Đồ án, bám sát thực tiễn tạo ra giá trị, nâng cao chất lượng sống cho người dân và tạo mội trường đầu tư tốt cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UNBD TP Võ Văn Hoan yêu cầu Sở QHKT TP và UBND TP Thủ Đức lắng nghe các ý kiến chuyên gia một cách đầy đủ nhằm bổ sung vào Đồ án để đến tháng 11-2022 trình UBND TPHCM và đến tháng 12-2022 UBND TPHCM trình Bộ Xây dựng, Chính phủ xem xét thông qua.
Nhiều ý kiến đóng góp cho Đồ án tập trung vào nhiều vấn đề mang tính chiến lược, như “Giải pháp TOD trong quy hoạch giao thông” (Tập đoàn Surbana), “Các giải pháp về quy hoạch để phát triển công viên lịch sử văn hóa dân tộc” (Ngân hàng thế giới), “Đề xuất phương pháp thúc đẩy TP sáng tạo” (Ngân hàng thế giới), “Phát triển Đô thị xanh Thủ Đức – TP sáng tạo – hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững” (bà Lưu Thị Thanh Mẫu- CEO Phuc Khang Corp)…
Được biết Chính phủ ban hành Quyết định số 1538/QĐ-CP ngày 16-9-2021 về “Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung của TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040” với những định hướng cụ thể về quy mô dân số (đến 2030 có 1,5 triệu dân, đến sau 2040 có 3 triệu dân), quy mô đất đai để phát triển đô thị (đến 2030 - sử dụng 18.830 ha và đến 2040 – sử dụng 19.994 ha/21.156 ha diện tích đất của toàn TP) và tính chất đô thị vùng TPHCM.