Quỹ lớn chưa chắc thắng, quỹ nhỏ lên ngôi

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đang có những diễn biến thuận lợi trong 3 năm gần nhất, nhưng nghịch lý là ngành quản lý quỹ lại phải chịu những sức ép cực lớn trong cùng khoảng thời gian này. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Các quỹ nhỏ biết xoay chiều
Trước đây, tên tuổi của các công ty quản lý quỹ lớn vừa đảm bảo sự an toàn cũng như suất sinh lời cho tài sản của các nhà đầu tư (NĐT). Nhưng sự xuất hiện các mô hình quản lý tài sản năng động hơn và ứng dụng công nghệ, đã thay đổi cách nhìn nhận.
Nhiều NĐT cho rằng, dường như mức phí của các công ty quản lý quỹ lớn tuy cao, nhưng lợi nhuận đem về lại không như kỳ vọng. Điều này bắt nguồn từ việc xuất hiện các quỹ có quy mô dù nhỏ hay thậm chí siêu nhỏ, nhưng có hiệu quả hoạt động rất cao. 
Thoạt nghe có vẻ phi lý vì các quỹ đầu tư thường có xu hướng gia tăng tài sản, thu hút nhiều dòng tiền để tạo ra vị thế trong hoạt động, quỹ nhỏ sẽ gặp thách thức trong phân bổ danh mục hay xoay vòng tiền khiến cho hiệu quả đầu tư thấp.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong hình thái hoạt động của các quỹ nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đã biết cách xoay chiều. Nếu các quỹ lớn chọn xu hướng giải ngân vào cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn, đầu ngành (blue chip), thì các quỹ nhỏ có thể chọn danh mục là những CP tầm trung hoặc nhỏ, nhưng tăng giá vài chục % trong năm, thậm chí tăng bằng “lần” thì tăng trưởng NAV (giá trị tài sản ròng) của cả quỹ là rất lớn.
Dẫn chứng rất rõ ràng, cho đến trước thời kỳ bùng nổ 2017, các quỹ tạm gọi là “đàn em” của VinaCapital, Dragon Capital trên TTCK Việt Nam như PYN Elite Fund, Kingsmead… đã thắng lớn nhờ vào việc đầu tư những CP tầm trung hoặc nhỏ. 
Ngoài ra, việc đầu tư vào những doanh nghiệp tư nhân trước khi lên sàn như Thế giới di động (MWG), VietjetAir (VJC)… cho đến khi lên sàn và thoái vốn cũng giúp cho nhiều quỹ thắng lớn. Cũng nên biết rằng, các doanh nghiệp tư nhân thời kỳ đầu vốn cũng chỉ ở mức trung bình hoặc nhỏ, nên quỹ nhỏ lại có lợi thế tìm kiếm, ra quyết định đầu tư nhanh chóng hơn.
Và có một điều chắc chắn rằng, đối với các NĐT quỹ lớn hay quỹ nhỏ không quan trọng bằng quỹ nào có khả năng sinh lời và đảm bảo tài sản cho mình tốt hơn. 
Tinh giản hoạt động, mở rộng dịch vụ
Việc áp dụng công nghệ trong vận hành cũng giúp các công ty quản lý quỹ cắt giảm đáng kể các loại chi phí. Cách đây 2 năm, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới là BlackRock đã cho ra mắt một loạt các quỹ ETF được vận hành bởi trí thông minh nhân tạo (AI). Với các công ty quản lý quỹ nhỏ, việc tiết giảm chi phí vận hành, cụ thể là chi phí nhân sự sẽ được thực hiện nhanh chóng, triệt để hơn các quỹ lớn.
Nghĩa là, các quỹ nhỏ cũng có thể giảm được phí quản lý, chào mức phí tốt hơn so với các công ty lớn. 
Ngoài hiệu quả, cũng phải bàn đến một yếu tố nữa đó là cách thức gọi vốn và phân nhóm khách hàng của các công ty quản lý quỹ cũng khác trước. Theo đó, tính chất chọn lọc từ việc gọi vốn được áp dụng từ đầu thay vì đại trà như nhiều năm trước.
Một người đã có hơn một thập niên hoạt động trong ngành quản lý quỹ chia sẻ, khi quỹ có lãi, chưa chắc các nhà quản lý (manager) đã vui vì có khi bị so sánh “sao không lãi như quỹ người ta” nhưng chắc chắn khi TTCK giảm, NAV giảm thì manager lên "đoạn đầu đài" bất chấp có thể “lỗ ít hơn quỹ người ta”.
Khi thị trường giảm, sức ép từ các NĐT, mỗi người một kiểu, có khi còn nặng nề hơn cả sức ép từ danh mục. Các nhà quản lý quỹ buộc phải thay đổi bằng cách lựa chọn những NĐT có chung tầm nhìn, chung quan điểm về đầu tư, về suất sinh lời, và thời hạn hoạt động.
Tất nhiên, chọn lọc sẽ hạn chế nhiều nguồn tiền khác nhau, nhưng các NĐT có “chung chí hướng” sẽ giúp manager có nhiều cơ hội để triển khai các ý tưởng đầu tư của mình, chẳng hạn có thể tăng sức chịu đựng rủi ro, hoặc gia tăng mức độ mạo hiểm khi đầu tư. 
Ngoài ra hiện nay một “thế lực mới” cũng đã xuất hiện và gây áp lực cho ngành quản lý quỹ truyền thống đó là các công ty quản lý tài sản dành riêng cho người giàu hoặc các dịch vụ quản lý tài sản VIP mà các định chế tài chính lập ra.
Các dịch vụ kiểu này thường có xu hướng “cá nhân hóa” nhu cầu của từng khách hàng để rồi từ đó tính toán một chương trình đầu tư phù hợp nhất thay vì gom chung tài sản của nhiều người thành một quỹ. Dịch vụ quản lý tài sản cho người giàu (wealth management) cũng đã được triển khai tại một số ngân hàng, công ty chứng khoán tại Việt Nam với những sản phẩm đầu tư linh hoạt như chuyển đổi giữa CP, trái phiếu, tiền gửi trong mỗi thời điểm khác nhau.

Ràng buộc lợi nhuận và trách nhiệm
 Không phải cứ thị trường tăng là công ty quản lý quỹ làm ăn có lãi lớn, và cũng chưa chắc khi thị trường giảm quỹ nào cũng thua lỗ. Mỗi quỹ đầu tư hay công ty quản lý quỹ buộc phải tìm ra công thức chiến thắng cho riêng mình. 
Hệ quả là rất rõ ràng, 10 năm trước mức phí quản lý quỹ rơi vào khoảng 2%/NAV/năm nhưng đã giảm xuống còn 1%/năm cách đây 5 năm và hiện nay thậm chí còn giảm xuống dưới 1%/năm thậm chí… miễn phí.
Nói đến đây, dường như cán cân lợi ích đang nghiêng hẳn về phía khách hàng bởi công ty quản lý quỹ phải tiết giảm chi phí, đi tìm các ý tưởng đầu tư mới, trong khi NĐT lãi nhiều hơn, hưởng phí thấp hơn. Hiện nay các công ty quản lý quỹ đều công bố mức phí nhưng chỉ ở mức độ tượng trưng bởi lẽ mỗi nhóm NĐT sẽ đàm phán phí quản lý với công ty quản lý quỹ khác nhau. 
Thông thường, tài sản càng lớn, NĐT càng có lợi khi đàm phán và có cơ hội đẩy mức phí xuống… 0% và ăn chia dựa trên lợi nhuận mà công ty quản lý quỹ đem về. Theo đó, giữa khách hàng và công ty quản lý quỹ sẽ thỏa thuận về việc ăn chia 5:5 hay 7:3, kèm theo những điều kiện nhất định khi tài sản sinh lãi.
Cũng có trường hợp khách hàng ấn định một mức lợi nhuận nhất định mong muốn đạt được và phần vượt sẽ thuộc về công ty quản lý quỹ. Nhưng nhìn chung, cách làm này sẽ buộc công ty quản lý quỹ phải đảm bảo tài sản của NĐT phải sinh lợi mới có thể có thu nhập cho mình. 
Còn nhớ gần 10 năm trước, đã có một số NĐT của một quỹ mở than rằng, phí quản lý vẫn đóng đủ, nhưng tài sản thì không sinh lãi, trong khi manager của quỹ lại có vẻ… giàu lên. Thì nay những trường hợp kiểu như vậy sẽ không còn, khi mà ràng buộc về lợi nhuận giữa quỹ và NĐT ngày một chặt chẽ hơn nữa.

Các tin khác