Quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp lớn

Sau nhiều lần lỡ nhịp, kế hoạch cổ phần hóa (CPH) Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines mới được tái khởi động. Tại cuộc họp về đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng yêu cầu Vietnam Airlines phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu để trở thành tập đoàn hàng không quốc gia mạnh, trong đó ưu tiên số 1 là CPH công ty mẹ.

Mục tiêu đặt ra là Vietnam Airlines sẽ tiến hành IPO muộn nhất vào cuối năm 2013. Hãng sẽ xây dựng phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ vốn Nhà nước sau khi CPH phải chiếm 70-80%.

Vietnam Airlines kỳ vọng nguồn thu từ IPO đạt tối thiểu 200 triệu USD, nhằm tăng nguồn vốn chủ sở hữu - 1 trong 4 nhóm giải pháp tái cơ cấu hãng. Trên thực tế, việc duy trì vốn chủ sở hữu ở mức thấp (8.480 tỷ đồng), trong khi tổng nợ phải trả lên tới 40.894 tỷ đồng đã khiến hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vượt quá cao so với quy định của Bộ Tài chính.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với cơ cấu vốn, tài sản như trên, nếu thị trường không thuận lợi, có yếu tố bất thường, Vietnam Airlines sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán. Vì thế, chỉ có đẩy nhanh tiến trình CPH mới có thể giải quyết được bài toán kinh doanh của hãng.

Yêu cầu cấp bách như thế, nhưng trên thực tế tiến trình CPH Vietnam Airlines trong những năm qua liên tục bị đình hoãn. Lý do chậm trễ được đưa ra nhiều, nhưng bản chất vấn đề là bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Và không chỉ Vietnam Airlines, nhiều doanh nghiệp lớn khác của Nhà nước cũng lần chần không chịu CPH để bảo vệ lợi ích cục bộ của mình.

MobiFone là thí dụ điển hình. Công ty viễn thông di động lớn hàng đầu Việt Nam này đã được đưa vào kế hoạch CPH từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ. Thậm chí mới đây Tập đoàn VNPT còn đệ trình Chính phủ cho sáp nhập VinaPhone và MobiFone thay vì CPH.

Việc quyết định số phận của 2 hãng di động MobiFone và VinaPhone sẽ quyết định đến lỗ lãi và thu nhập của hàng vạn lao động VNPT. Bởi thế, nhìn ở khía cạnh lợi ích cục bộ của VNPT, việc họ muốn sáp nhập là dễ hiểu. Nếu CPH MobiFone thì VNPT sẽ bị giảm hơn 40% doanh thu, hơn 40% lợi nhuận và 40% nộp ngân sách của tập đoàn, bởi doanh thu của tập đoàn chủ yếu nhờ MobiFone.

Rõ ràng, nếu CPH MobiFone, VNPT sẽ bị thiệt hại, nhưng thực tế Nhà nước và xã hội lại được lợi. Thí dụ, MobiFone khi chưa CPH làm được 40.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng nếu CPH, với cơ chế tự chủ, năng động và cạnh tranh lành mạnh trên thương trường, họ có thể làm ra 50.000 tỷ đồng.

Khi đó tổng giá trị xã hội thu được sẽ tăng lên rất nhiều. Hơn nữa, nếu sáp nhập MobiFone và VinaPhone có thể sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh (tạo thành doanh nghiệp nắm hơn 50% thị phần, nằm trong nhóm các hành vi tập trung kinh tế bị cấm). Do đó, CPH MobiFone là con đường duy nhất phù hợp với lợi ích của xã hội và quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững, việc đẩy nhanh tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là những tập đoàn, tổng công ty lớn là hết sức cần thiết. Hiện nay phần lớn DNNN vẫn bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả, kém minh bạch, quản trị yếu và thiếu vốn.

Do vậy, CPH là lời giải hữu hiệu để khắc phục những điểm yếu này. Cả nước hiện có trên 1.300 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Theo kế hoạch, các doanh nghiệp này sẽ được tái cơ cấu về sở hữu cũng như hoạt động trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Cụ thể, Chính phủ dự kiến đến năm 2015 sẽ chỉ giữ lại 100% vốn tại 692 doanh nghiệp. Ngoài ra sẽ tiến hành CPH tại 573 doanh nghiệp, trong đó có công ty mẹ của một tập đoàn, 56 tổng công ty, một ngân hàng thương mại. Sau khi CPH, cổ đông Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối. Sau giai đoạn này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện để từ năm 2015-2020 tiến hành CPH 27 tập đoàn, tổng công ty. Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ cổ phần chi phối (trên 65% hoặc trên 75%) vốn điều lệ tại 9 tập đoàn là Dầu khí, Than - Khoáng sản, Điện lực, Cao su, Bưu chính - viễn thông, Hóa chất, Công nghiệp Tàu thủy, Xây dựng và Đầu tư phát triển đô thị.

Có 2 tổng công ty cũng được Nhà nước giữ trên 65% vốn điều lệ là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Tổng công ty Cà phê Việt Nam, sẽ từ bỏ quyền chi phối tại 16 tổng công ty khác.

Nếu thực hiện đúng lộ trình này, tính đến 2020, nước ta sẽ chỉ còn lại 17 tập đoàn, tổng công ty và 200 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn. Rõ ràng, đây là kế hoạch đầy tham vọng nếu so sánh với thực tế CPH DNNN, nhất là các doanh nghiệp lớn, trong thời gian qua.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, bên cạnh việc cải cách cơ chế, khai thông những “nút thắt” về mặt pháp lý cũng như thị trường, tư duy về CPH cũng cần thay đổi theo hướng quyết liệt hơn nữa. Không thể để các nhóm lợi ích bao trùm lên lợi ích chung của xã hội và nền kinh tế. Về một khía cạnh nào đó, tiến hành CPH có thể phải chấp nhận thua thiệt.

Nhưng nói như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp khi ông bình luận về CPH MobiFone: “Thà kết thúc bằng một nỗi đau, còn hơn kéo dài nỗi đau mà không biết khi nào kết thúc...”.

Các tin khác