(ĐTTCO)-Theo nhiều nhận định của tổ chức và báo chí nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức gần 7% trong năm 2016, giúp Việt Nam lọt vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đứng thứ hai Châu Á.
![]() |
Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 đã vọt lên 6,01% GDP, thay vì mức dưới 5% GDP như Quốc hội đề ra. Bội chi ngân sách đã “kịch tường, trong khi sức ép từ nợ công đè nặng.
Bội chi ngân sách tương đương 4,95% GDP
Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016, tổng chi cân đối NSNN là 1.273.200 tỉ đồng và mức bội chi 254.000 tỉ đồng, tương đương 4,95% GDP. Thực tế cho thấy, nhiệm vụ và nhu cầu chi thường xuyên tăng liên tục, hiện chiếm khoảng 70% chi NSNN hằng năm, trong khi nguồn thu NSNN các cấp tiếp tục gặp áp lực từ giảm giá dầu thô và hàng xuất khẩu, giảm thuế theo cam kết hội nhập quốc tế; còn nợ công cao “kịch trần” và dịch vụ nợ công tiếp tục tăng.
Ngoài ra, các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng tăng chóng mặt, với quy mô thành tiền lớn hơn 17 lần chỉ trong 5 năm qua, từ 317 tỉ đồng (năm 2009), lên 658 tỉ đồng (năm 2010); 708 tỉ đồng (năm 2011); 2.252 tỉ đồng năm 2012 và năm 2013 là 5.304,2 tỉ đồng… Theo đó, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN cần được quán triệt sâu sắc, thực hiện quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương.
Ngay trong năm 2016, các đơn vị thụ hưởng NSNN thực hiện bắt buộc tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương); tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi lễ hội, lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào; tiết kiệm từ 10-15% tổng mức đầu tư dự án xây dựng; kiên quyết cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành; không đề xuất, phê duyệt các dự án và các khoản chi phát sinh ngoài dự toán NSNN đã phê duyệt; hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; tăng cường xã hội hóa...
Đặc biệt, tiết kiệm chi thường xuyên phải gắn với lộ trình tinh giản biên chế hành chính, nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, xóa bỏ căn bệnh chạy đua dự án, lạm dụng kẽ hở luật pháp và hành xử quản lý NSNN theo lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm…
Giảm 10% biên chế các đơn vị công lập
Trong quá trình này cần thực hiện nghiêm yêu cầu giảm 10% biên chế trong các cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020; không tăng biên chế các đơn vị hiện có và chỉ bổ sung 50% vị trí trống của những lao động trong biên chế đến tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, cần có sự đánh giá lại các tiêu chí yêu cầu vị trí công việc và năng lực cán bộ, lao động trong khu vực nhà nước…, từ đó có giải pháp giảm thiểu đội ngũ công chức và lao động dư thừa tương đối và tuyệt đối, gắn với tăng cường công tác bảo đảm an sinh và đồng thuận xã hội cao.
Bên cạnh đó, tinh thần tiết kiệm cũng được thể hiện qua yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai, minh bạch trong chi tiêu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; tăng cường xã hội hóa, phân cấp và tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm phải trở thành nhận thức chung và cho từng đơn vị, cá nhân trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong tất cả các lĩnh vực, địa phương, cấp độ quản lý trên cả nước. Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ và thực chất các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường quản lý biên chế hành chính và việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính chi NSNN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, cương quyết chống lãng phí, tiêu cực, căn bệnh chạy đua các dự án “hoành tráng”, sự lạm dụng kẽ hở luật pháp và hành xử theo sự chi phối của lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm; kịp thời nhận diện và khắc phục triệt để các tồn tại, yếu kém trong Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng…