Quyết liệt với “giặc ngoài”, “thù trong”

(ĐTTCO) - Tuyên bố “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần phải hiểu thêm nghĩa cả “giặc ngoài” và “thù trong”. Bởi lẽ Tổ chức Y tế thế giới - WHO chính thức tuyên bố dịch bệnh hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra là đại dịch toàn cầu. Ngay cả Mỹ cũng đã cấm các chuyến bay đến từ châu Âu trong vòng 30 ngày. 

Chốt chặn “giặc ngoài” thì “thù trong” không kém
Cuộc chiến chống Covid-19 đã không còn là câu chuyện của riêng ai. Cảnh báo của WHO đối với Covid-19 cho thấy rõ ràng thông điệp ứng phó đại dịch toàn cầu sẽ không tập trung vào việc ngăn chặn bệnh từ một nơi xa xôi nào khác, mà phải tập trung vào những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại ngay tại mỗi quốc gia.
Sau khi ngăn ngừa hữu hiệu dịch bệnh từ dòng người di chuyển qua Trung Quốc và một số nước châu Á, thì Việt Nam đang đối mặt với mối họa khác từ những chuyến bay châu Âu. Phải thành thật mà xác nhận, chuyến bay mang nhãn hiệu VN0054 từ Luân Đôn hạ cánh xuống Nội Bài rạng sáng 2-3 thực sự là một cơn ác mộng của người Việt Nam. Hàng chục ca nhiễm Covid-19 từ đây, hàng trăm người phải cách ly vì nguồn lây nhiễm chéo từ đây. Trước sự hoành hành của virus corona, chúng ta không thể nào lường được tác hại nảy sinh do chủ quan và bất cẩn. 
Quyết liệt với “giặc ngoài”, “thù trong” ảnh 1 Đã đến lúc phải kiểm tra và khai báo y tế, hành trình di chuyển bắt buộc với tất cả du khách.
Đại dịch toàn cầu thì mỗi quốc gia phải đứng trước hai thác lũ tai tương “giặc ngoài” và “thù trong”. Đối phó “giặc ngoài” bao giờ cũng đơn giản hơn đối phó “thù trong”. Tạm dừng các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, và tạm ngừng chương trình miễn thị thực nhập cảnh cho công dân một số quốc gia, là quyết định kịp thời và đúng đắn.
Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu cũng khiến nhiều trường đại học trên thế giới phải đóng cửa, lũ lượt du học sinh trở về nước. Không kỳ thị, không xa lánh, nhưng dòng du học sinh tìm lại cố hương để tránh dịch cũng là một nguồn lây nhiễm tiềm ẩn. Phải đưa ra khuyến cáo phù hợp, vì đây là những người có khả năng tiếp xúc với trường hợp lây nhiễm khi di chuyển qua các phương tiện trung chuyển. 
Nếu “giặc ngoài” có chốt chặn là các cửa khẩu thông quan, còn “thù trong” phải nhìn nhận thế nào? Ngay giữa mùa dịch, thì có việc cấp bách nào phải ra nước ngoài một cách sốt ruột? Ba nhóm người đã tạo nên đợt cách ly rầm rộ và phẫn nộ cộng đồng, đó chính là nhóm nghệ sĩ đi tham dự Tuần lễ thời trang Milan ở Ý, đoàn công tác Ấn Độ có ghé qua Anh của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, và đoàn công tác của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam sang Mỹ có quá cảnh Hàn Quốc. Giới show biz thích bay nhảy ưa phóng túng đã khó chấp nhận, thì những cán bộ và doanh nhân không nỗ lực nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh càng khó chấp nhận hơn. 
Hiện Sở Y tế TPHCM đã phải có chiến dịch quyết liệt để tăng cường giám sát nhóm nghệ sĩ từng rong chơi ở Ý và Pháp có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 17. Cũng may, ngoài sự cách ly ồn ào của ông bầu Vũ Khắc Tiệp, thì các trường hợp khác đều hợp tác êm đẹp. Song còn giới quan chức thì hơi ái ngại khi đề cập đến những chuyến công du, bởi họ có chức phận và có công vụ.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, cần phải hạn chế tối đa những chuyến công du nước ngoài nhiều tốn kém và lắm bất trắc. Không ai hình dung được diễn biến nào có thể xảy ra bên ngoài biên giới, mà tờ khai báo y tế khi họ quay về cũng đầy phập phồng âu lo. Hơn nữa, phạm vi tiếp xúc của quan chức rất rộng, chỉ cần một cuộc hội thảo mà người có nguy cơ lây nhiễm đứng ra chủ trì, thì những lời chúc tụng hoặc những cái bắt tay cũng mang lại không ít rủi ro cho hàng trăm, hàng ngàn người khác. 
Chưa bao giờ ý thức gương mẫu của quan chức cần được nêu cao như bây giờ. Gương sáng treo cao trong mùa đại dịch toàn cầu, không thể chỉ dừng ở khẩu hiệu thánh thót và mơ hồ.

Chưa đến lúc phải kêu cứu
Đại dịch toàn cầu dĩ nhiên ảnh hưởng đến kinh tế. Thế nhưng, tiền bạc không thể quý hơn sức khỏe và sinh mạng. Ở nhiều quốc gia, các doanh nghiệp đã chung tay với Chính phủ để đẩy lùi Covid-19. Còn ở nước ta, chỉ nghe thống thiết các doanh nghiệp kêu khó, kêu khổ, kêu túng, kêu bấn. Sao lại có nghịch lý khó hiểu như vậy nhỉ? Sao lúc làm ăn thịnh vượng, các doanh nghiệp không yêu cầu tăng thuế để đóng góp cho ngân sách? 
Hiện tại không dễ xác nhận doanh nghiệp nào bị tác động nhiều hơn doanh nghiệp nào, nhưng tiếng kêu cứu thì rạo rực và nồng nàn như nhau. Doanh nghiệp hàng không kêu cứu và doanh nghiệp du lịch kêu cứu thì còn nghe lọt tai, chứ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng kêu cứu chưa đến lúc. Thậm chí, doanh nghiệp chuyên mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng kêu cứu, cũng đòi hỏi hỗ trợ nọ kia thì oái oăm quá. Hiện tượng kêu cứu… ké đang là một thứ mốt chăng?
Bản lĩnh của doanh nhân có phải bong bóng xà phòng đâu mà dễ vỡ, dễ tan như vậy? Không thể chấp nhận âm thầm thu hoạch lúc thuận lợi và đùn đẩy thua thiệt lúc gian nan. Doanh nhân cao hứng vỗ ngực xưng tụng “cá mập” mà có trái tim “cá kèo” và ý chí “cá nóc” chăng? Nguy cơ là có thật, nhưng thấu hiểu “nguy” để tìm kiếm “cơ” mới là giá trị doanh nhân thời hội nhập.
Thị trường ảm đạm không đáng lo bằng môi trường dịch bệnh. Đại dịch toàn cầu không thể giảm thiểu nhờ những tiếng kêu cứu vang vọng bổng trầm, mà phải bằng những hành động ưu tiên. 
Nhận định đỉnh điểm của đại dịch toàn cầu sẽ là tháng 4 và tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải dừng mọi hoạt động tụ tập đông người để tránh lây nhiễm bởi hiện người dân Việt Nam vẫn còn chủ quan, những nơi công cộng người dân cần phải đeo khẩu trang.
Người đứng đầu Chính phủ nước ta khẳng định: “Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, ý chí và kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra”. 
 Những chuyên gia y tế từng gồng mình chiến đấu với Covid-19 đã công khai xác nhận một sự thật mà bất kỳ ai muốn an toàn trong mùa đại dịch toàn cầu cũng phải lưu ý. Hiện tại có rất ít loại thuốc tạm thời để làm chậm sự hủy hoại của virus corona. Bệnh nhân có chiến đấu lại được covid hay không, chủ yếu là dựa vào sức đề kháng của chính cơ thể họ. Bác sĩ chỉ có thể hỗ trợ khi bệnh nhân không thể chịu được nữa. Trước mắt, phải chấp nhận một thực tế là chỉ có chính cơ thể chúng ta mới chống chọi lại được con virus. Phần lớn bác sĩ ở các nước đang thử nghiệm những liệu pháp kháng khuẩn trên con virus corona và tự rút kinh nghiệm để có thể giúp đỡ bệnh nhân lây nhiễm. 

Các tin khác