Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, đây là lần thứ tư sự kiện này được tổ chức, để tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp an toàn thông tin mạng trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm.
Một vấn đề đặt ra khi phát triển các nền tảng số trên diện rộng, phục vụ rất đông người đó là yêu cầu đảm bảo an toàn cho hệ thống và các cá nhân trước các cuộc tấn công với tần suất ngày càng tăng, quy mô ngày càng rộng, kỹ thuật ngày càng tinh vi và các hậu quả xảy ra cũng sẽ ngày càng lớn. Do đó, công tác đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ gắn liền với quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Chính thức ra mắt nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
Theo đại diện Bộ TT-TT, bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng số phải được thực hiện ngay từ khâu thiết kế với kinh phí đầu tư phù hợp. Cụ thể, để làm được điều này, nhà phát triển nền tảng phải ưu tiên dành tỷ lệ kinh phí tối thiểu khoảng 20-30% tổng mức đầu tư, dành cho các tính năng về an toàn thông tin mạng. Có như vậy, việc bảo đảm an toàn thông tin mới được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp và không chắp vá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho hay, hiện nay tỷ lệ các hệ thống được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn theo cấp độ tính đến tháng 5-2022 vẫn còn thấp, mới chỉ khoảng 30%, trong khi chỉ tiêu đến tháng 12-2022 phải đạt 100%. Bên cạnh đó, nạn lừa đảo trực tuyến ngày càng phổ biến, nhiều thiết bị số phục vụ Chính phủ điện tử đang sử dụng nhưng chưa được kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, diễn tập an toàn thông tin còn thiếu và chưa thực hiện…
Bởi vậy, nhân dịp này, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã chính thức cho ra mắt “Nền tảng điều phối xử lý sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia”. Khi nền tảng này đi vào vận hành sẽ thúc đẩy mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường sự gắn kết, chia sẻ thông tin, sẵn sàng phản ứng nhanh, kịp thời khi sự cố xảy ra.