Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả, đánh giá tác động của 1.155 dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn vừa qua theo quy định tại Luật Đầu tư công; đặc biệt xem xét sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn, chỉ ra những điểm tích cực để phát huy cũng như những hạn chế và giải pháp khắc phục.
Việc này nên thực hiện tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2018. Trước đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đề xuất cắt giảm hơn 2.233 tỷ đồng vốn ODA của 5 bộ ngành trung ương và 14 địa phương do không có khả năng giải ngân.
ODA là nguồn vốn tốt cho bất kỳ quốc gia nào bởi được vay ưu đãi với lãi suất thấp trong thời gian dài. Thời gian qua, việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội nước ta phát triển. Tuy nhiên, một thực tế diễn ra nhiều năm gần đây là dòng vốn ODA từ nước ngoài tài trợ cho những dự án được giải ngân rất chậm.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026. Tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân 4,37 tỷ USD.
Thực tế hiệu quả sử dụng vốn ODA và nguồn vay ưu đãi trong giai đoạn 2011-2015 đã ghi nhận những kết quả khác nhau về hiệu quả sử dụng nguồn vay ODA. Bên cạnh những dự án được đánh giá thành công trong phát triển hạ tầng giao thông, như dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách T2 Nội Bài… nhưng vẫn còn đó những siêu dự án thiếu hiệu quả.
Đó là hàng loạt dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi đang rơi vào tình trạng đội vốn từ vài trăm triệu lên đến cả tỷ USD. Chính vì vậy, dù giai đoạn 2016-2020 Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi đạt 5-6 tỷ USD/năm, song đến nay tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 sang giai đoạn 2016-2020 còn gần 22 tỷ USD. Trong khi đó, trong 5 năm tới Chính phủ sẽ xem xét, đàm phán và ký kết thêm các hiệp định vay ODA và vay ưu đãi với tổng giá trị khoảng 20-25 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa mỗi năm Việt Nam sẽ ký kết các hiệp định vay thêm 4-5 tỷ USD.
Vay ODA phải tạo ra được sản phẩm sinh ra phúc lợi, tạo ra công ăn việc làm, từ đó nền kinh tế có tiền để trả nợ. Còn dùng vốn ODA không sinh ra các sản phẩm cho xã hội, không đưa ra tiện ích cho xã hội sẽ không có nguồn để trả nợ. Vì thế, vấn đề đặt ra lúc này là rà soát lại tất cả dự án để xem những dự án nào gây lãng phí, không hiệu quả thì rút lại. Phải có sự thẩm định chặt chẽ, từ đó sàng lọc ra những dự án chưa sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, hoặc chưa hiệu quả để có phương án xử lý.
Hiện nay vốn ODA đang dàn trải quá nhiều nơi. Chính phủ nên tập trung nguồn vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách, giảm tính bao cấp của Nhà nước trong sử dụng vốn vay nước ngoài. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, đội vốn và đầu tư tràn lan. Nếu không làm được điều này con đường vay nợ mới của nước ngoài để trả nợ cũ là không thể tránh khỏi.
Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, lãi suất vay ODA không thuận lợi như trước mà nay đã cao hơn. Dòng vốn này cũng dần dần khép lại chứ không như trước đây, là dành cho nhóm các nước thu nhập dưới trung bình. Theo đó, kể từ tháng 7-2017, Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển sang vay ưu đãi và tiến tới vay thương mại. Khi đó, nguồn ODA đã vay phải rút ngắn thời gian trả nợ 30-40 năm xuống 15-20 năm và tăng lãi suất lên 2-3,5% thay vì mức 1%/năm hiện nay. Đây là thách thức đặt ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Đã đến lúc nền kinh tế không nên trông đợi quá nhiều vào ODA, nếu như không muốn nói thoát ly khỏi ODA càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, lâu nay Nhà nước đầu tư tất cả. Nếu không tách bạch rõ được dự án nào, lĩnh vực nào Nhà nước cần làm, lĩnh vực nào tư nhân cần làm, việc đầu tư bằng ODA sẽ tiếp tục gia tăng mà không phát huy hiệu quả đồng vốn.