Nghị định 27/2014/NĐ-CP (Nghị định 27) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động giúp việc gia đình đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25-5-2014 vừa qua. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh nghị định này.
"Lên đời" người giúp việc
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Hà Nội) cho hay từ khi sinh con chị phải thuê người giúp việc với mức lương 4 triệu đồng/tháng, mỗi tháng có 2 ngày nghỉ, cuối năm có lương tháng thứ 13, chưa kể tiền quần áo, tàu xe cho thêm mỗi khi chị giúp việc về quê thăm gia đình. Cả chị lẫn chị giúp việc đều rất hài lòng với thỏa thuận này và thời gian chị giúp việc làm tại nhà chị Hạnh đã hơn 2 năm. Tuy nhiên, theo Nghị định 27, chị Hạnh thấy có một vài điều chưa sát thực tế. Chẳng hạn, mỗi tháng người giúp việc được nghỉ ít nhất 4 ngày.
“Tôi đi làm cả tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật, nếu có cho người giúp việc nghỉ cũng chỉ nghỉ được vào chủ nhật, nếu 1 tháng người ta nghỉ cả 4 ngày tôi thuê thêm người làm gì” - chị Hạnh nói.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Việc có một nghị định nhằm bảo vệ người giúp việc gia đình là một điều tốt, song vì đây vốn dĩ là một nghề đặc thù nên những quy định cần thiết phải gắn với thực tế. Chẳng hạn, Nghị định quy định ngoài thời gian nghỉ hàng tháng ít nhất 4 ngày, mỗi năm người giúp việc còn được nghỉ 12 ngày vẫn hưởng nguyên lương. Rất nhiều hộ gia đình có thuê lao động giúp việc tỏ ra băn khoăn, vì như vậy là quá nhiều.
Rồi tiền trợ cấp thôi việc, mức trợ cấp mỗi năm làm việc tương đương 1/2 tháng lương. Điều này vốn chưa có tiền lệ và cũng sẽ khó được người sử dụng lao động chấp nhận, đó là chưa kể việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc…
Một điều khác nhiều người cho rằng rất khó thực hiện, đó là trách nhiệm bồi thường của người giúp việc nếu làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc bị mất tài sản. “Từ khi nhà tôi có người giúp việc, vòi nước thay liên tục do bất cẩn trong sử dụng, rồi cả cửa cuốn cũng hư hỏng do sơ suất của cô giúp việc sửa mất cả tiền triệu nhưng cũng chẳng bắt đền được” - cô Nguyễn Thùy Vinh (quận 1, TPHCM) chia sẻ. Thực tế cũng không thiếu những trường hợp người giúp việc lấy cắp tài sản của gia chủ bỏ trốn nhưng gia chủ cũng không biết kêu ai.
Cuộc sống ngày càng phát triển, việc thuê người giúp việc đã trở nên khá phổ biến không chỉ ở các thành phố lớn mà cả nông thôn. Bản thân người giúp việc giờ cũng đòi hỏi những mức lương khá cao cùng nhiều đãi ngộ từ người chủ. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, việc người giúp việc đòi tăng lương hàng năm không hiếm. Song tất cả đều là thỏa thuận giữa 2 bên. Nay đưa ra nghị định với nhiều điều khoản chưa sát thực tế khiến cả người sử dụng lao động và lao động giúp việc e ngại.
Thêm gánh nặng quản lý
Theo Nghị định 27 cũng như dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cũng như giải quyết các tranh chấp lao động là UBND cấp xã, phường, thị trấn. Cụ thể, những đơn vị này phải phân công cán bộ theo dõi, quản lý việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý; tiếp nhận, quản lý thông báo sử dụng lao động giúp việc gia đình, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với lao động giúp việc gia đình của người sử dụng lao động trên địa bàn thuộc quyền quản lý; kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về lao động của hộ gia đình có sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý; định kỳ 6 tháng 1 lần tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý với UBND quận, huyện, thị xã...
Như vậy, các xã, phường sẽ phải có thêm cán bộ chuyên trách để thực hiện việc này. Đây không chỉ tạo thêm gánh nặng quản lý mà còn khiến ngân sách thêm gánh nặng vì phải chi trả lương cho một số lượng không nhỏ các cán bộ thực hiện công tác này. Và cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là để lách quy định cũng không quá khó. Giả sử người sử dụng lao động vẫn thuê người giúp việc gia đình, mọi thỏa thuận được 2 bên nói miệng, khi bị kiểm tra người ta sẽ nhận là họ hàng lên chơi, phụ giúp thì vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào?
Cũng phải nhìn nhận trên thị trường hiện nay có một số công ty chuyên cung ứng cho thị trường những người giúp việc nhà được đào tạo bài bản. Những công ty này sẽ đứng ra ký hợp đồng với những người có nhu cầu thuê và đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, số này vẫn còn ít và chưa được thị trường “chuộng” do mức giá khá cao. Phần lớn người giúp việc vẫn được thuê theo dạng do người thân, quen giới thiệu, chính vì thế để Nghị định 27 thực sự đi vào thực tế cuộc sống có lẽ cần phải có sự điều chỉnh phù hợp.