Chỉ mới được bổ nhiệm vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) chưa đầy 1 tháng, nhưng ông Raghuram Rajan (ảnh) đã khiến nhiều người chú ý vì những chính sách táo bạo.
Cuối tháng 9, tân Thống đốc gây sốc khi bất ngờ đưa ra đồng thời 2 chính sách trái ngược: hạ lãi suất vay từ RBI của các ngân hàng 0,75%, xuống 9,5%, trong khi nâng lãi suất repo (lãi suất ngắn hạn) lên 0,25%, tới mức 7,5%.
Raghuram Rajan cũng quyết định giữ tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng (CRR) không thay đổi ở mức 4%. Cùng lúc, RBI giảm việc duy trì CRR tối thiểu hàng ngày từ 99% mức yêu cầu xuống 95% kể từ ngày 21-9, một động thái nhằm tăng thanh khoản cho hệ thống.
Giải thích những chính sách này, ông Rajan cho rằng việc nâng lãi suất repo chỉ ảnh hưởng 0,5% đến hoạt động vay mượn của toàn hệ thống ngân hàng, do đó sẽ không có tác động tiêu cực tức thời đến tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, tân Thống đốc RBI cho rằng đảo ngược một phần những chính sách của mùa hè có thể kích thích tăng trưởng, hạn chế những biến dạng tài chính đang xuất hiện trên thị trường, giúp các bảng cân đối của doanh nghiệp và ngân hàng đỡ căng thẳng.
Trước đó, trong suốt mùa hè RBI đã nhiều lần nâng lãi suất để tăng sức hấp dẫn cho hoạt động đầu tư tài chính, đồng thời kìm hãm sự lao dốc của đồng rupee.
Khi Rajan được bổ nhiệm làm Thống đốc thứ 23 của RBI vào ngày 4-9, tờ Economist của Anh có nêu một số nghi ngại về vai trò mới của ông trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ đang ở trong tình trạng “hỗn loạn” nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 1991.
Theo Economist, ông Rajan không có nhiều kinh nghiệm về chính sách tiền tệ. Dù vậy, ông Rajan vẫn tiếp cận nhiều với chính sách ở Ấn Độ hơn bất cứ học giả lỗi lạc nào đang hoạt động tại phương Tây. Năm 2007-2008, ông là chủ tịch một ủy ban thúc đẩy tự do hóa tài chính ở Ấn Độ. Năm 2008-2012, ông là cố vấn cho Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh về cách đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Và mới đây nhất, ngày 27-9, ông được Deutsche Bank (Đức) trao giải thưởng Kinh tế Tài chính 2013 để ghi nhận những công trình nghiên cứu mang tính đột phá của ông đã ảnh hưởng đến chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô trên thế giới. Hy vọng với sự uyên bác của mình, vị thống đốc trẻ thứ 3 trong lịch sử RBI sẽ có thể giúp Ấn Độ đảo ngược tình thế.