Vắng bóng du khách. Hàng quán đóng cửa im lìm. Đường phố vắng ngắt... Đó là những gì mà phố cổ Hội An phải trải qua suốt gần 2 năm nay vì dịch Covid-19. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên những ngày cuối tháng 7, tại các tuyến đường như Trần Phú, Nguyễn Thái Học..., nhiều nhà hàng phải treo bảng rao bán nhà hoặc cho thuê vì không cầm cự được qua các đợt dịch liên tiếp.
Căn nhà cổ của gia đình ông Trần Tấn Nga (60 tuổi), nằm trên đường Trần Phú, rộng hơn 150 m2, treo biển bán nhà gần cả tháng nay, tuy nhiên chưa có người liên hệ mua. “Căn nhà này thời ông cố nội tôi để lại, tuổi đời hàng trăm năm. Căn nhà được rao bán 42 tỉ đồng, dù bán thời điểm này lỗ mấy tỉ đồng, nhưng đành phải chấp nhận bởi không có sự lựa chọn nào khác. Điều đáng nói dù treo bảng đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa ai hỏi mua”, ông Nga thở dài.
Nhiều chủ nhà hàng khác cũng rao bán nhà, có người phải trả mặt bằng, chấp nhận đền hợp đồng thuê nhà hoặc cho thuê lại. “Nếu không bán thì lấy tiền đâu trả nợ, dịch giã thế này thì biết bao giờ mới hết được. Cả 2 năm nay dường như ngành du lịch Hội An phải “đóng băng” vì dịch”, ông Nga buồn bã nói.
Một ngôi nhà 2 tầng với diện tích hơn 200 m2 trên đường Nguyễn Thái Học cũng được chủ nhà rao bán với giá 60 tỉ đồng. Theo người này, trước khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đây là nơi sầm uất và được cho thuê làm nhà hàng, mỗi tháng tiền thuê nhà thu về hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch nên người kinh doanh trước đã trả mặt bằng và hiện đóng cửa để rao bán.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay có trên 80% doanh nghiệp kinh doanh tại phố cổ Hội An trả mặt bằng vì mức giá thuê cao và không có khách nên không thể cầm cự nổi. Đợt dịch thứ 4 vẫn phức tạp, nhiều hoạt động liên tiếp bị tạm dừng.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, việc tạm dừng hoạt động kinh doanh của những hộ dân tại khu vực phố cổ Hội An là điều tất yếu trong tình hình dịch bệnh phức tạp qua các đợt. Hiện nay các hoạt động kinh doanh, buôn bán ngưng trệ gần như hoàn toàn. “Sau khi dịch được kiểm soát, ngành du lịch Hội An có khách trở lại thì địa phương sẽ áp dụng hỗ trợ mỗi điểm tham quan phố cổ 5 triệu đồng/tháng để những nơi này mở cửa, hoạt động. Ngoài ra, TP.Hội An cũng hỗ trợ tiền điện theo từng khung giờ đối với các cửa hàng, cửa hiệu ở mặt tiền các tuyến phố cổ”, ông Lanh nói.
“Trả lương” cho nhà cổ
Trước đó, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua từ ngày 1.7, 13 căn nhà cổ thuộc sở hữu của tư nhân trong phố cổ Hội An sẽ được nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng/nhà đến hết năm 2021. Tổng kinh phí hỗ trợ cho đợt này là gần 400 triệu đồng. Hiện nay, có hơn 1.100 nhà cổ có giá trị tại phố cổ Hội An, trong đó có 13 căn nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân đang được đưa vào danh sách các điểm tham quan.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết đầu tư dự án phòng cháy, chữa cháy khu phố cổ Hội An, với tổng kinh phí hơn 200 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 4 năm (từ 2021 - 2024). Phạm vi đầu tư dự án gồm khu vực 1, 2 của phố cổ có diện tích gần 290.000 m2 với 1.107 di tích các loại cần bảo vệ.