(ĐTTCO) - Từ tháng 7, hàng loạt nghị định về điều kiện kinh doanh do Chính phủ ban hành theo yêu cầu của Luật Đầu tư chính thức có hiệu lực. Cũng từ thời điểm này, các bộ, ngành hết quyền dựng rào cản kinh doanh. Theo đó, 3.000 giấy phép con đã được bãi bỏ, cộng đồng doanh nghiệp (DN) như trút bỏ được gánh nặng về rào cản kinh doanh, không còn lo những quy định vô lý kìm sự phát triển của mình.
Đó là việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành 14 thông tư, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực NH ngay trước khi Luật Đầu tư 2014 và Luật DN 2014 có hiệu lực vào đầu tháng 7. Các thông tư này đều sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, như các quy định về điều kiện cho vay ra nước ngoài; một số nội dung về điều kiện thực hiện ủy thác, nhận ủy thác, điều kiện thực hiện hoạt động bao thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài…
Động thái tiên phong cắt giảm điều kiện kinh doanh của NHNN được đánh giá cao, sẽ giúp các NH giảm bớt thời gian, chi phí về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo điều kiện để NH giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó giảm lãi suất giúp DN tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh. Trước khi cắt giảm hàng loạt giấy phép con, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành NH nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, NHNN đặt mục tiêu toàn ngành phải nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, đồng thời hối thúc các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật…
Một số lĩnh vực khác cũng nhận được sự ủng hộ của DN. Chẳng hạn Nghị định 63/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định 66/2016 quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm… Nếu so sánh các nghị định này và các dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trước đó, có thể thấy hàng loạt quy định về điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc sửa đổi. Đặc biệt, quyết định loại bỏ nhóm điều kiện kinh doanh sai chuẩn có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn và quy chuẩn.
Vấn đề đặt ra là khi rào cản kinh doanh được rũ bỏ, hàng rào về trách nhiệm của DN với xã hội, với người tiêu dùng tăng lên. DN buộc phải làm tốt liên tục mới có thể gây dựng uy tín với xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Bởi lẽ, khi Nhà nước thôi lo thay DN, làm thay DN, không chỉ rút bớt đi rào cản mà còn tạo điều kiện để DN lớn lên về trách nhiệm, về nhân cách và văn hóa kinh doanh.
![]() |
Tuy vậy, trong niềm vui cởi trói rào cản, việc nâng cấp Thông tư 50 thành nghị định khiến nhiều DN nghi ngại sẽ có những rào cản mới được dựng lên. Theo đó, nhiều quy định trong nghị định mới này đã trở thành “giấy phép mẹ”, nghĩa là điều kiện kinh doanh được quy định trong nghị định của Chính phủ. Nhiều giấy phép con đã được bãi bỏ, nhưng cũng không ít quy định sẽ được đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của các ngành. Theo lý giải của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt nam (VCCI), do thời gian rà soát các văn bản trên rất gấp nên chưa thể kỳ vọng toàn bộ điều kiện kinh doanh vừa lên nghị định đều thỏa mãn các tiêu chuẩn được quy định tại Luật Đầu tư, cũng như đáp ứng yêu cầu mới của phát triển. Bên cạnh đó, VCCI cũng mới tổng hợp được từ một số hiệp hội, DN, chưa phải là tất cả đối tượng được điều chỉnh. Thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục rà soát theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng là đảm bảo chất lượng văn bản được ban hành với tư duy đổi mới, không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản mới này để giải phóng sức sản xuất, cải cách thủ tục hành chính…
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm và đây là nhiệm vụ ưu tiên số một. Trong đó sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tất cả việc liên quan đến tình trạng chồng chéo, chồng lấn, không rõ… phải minh bạch làm rõ. Một việc chỉ giao cho một cơ quan, một cơ quan chỉ giao cho một đầu mối và có người đứng đầu để tổ chức thực hiện. Kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, mọi rào cản sẽ được xóa bỏ, tạo môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho sự phát triển của DN.