Rào cản đầu tư năng lượng tái tạo

(ĐTTCO) - Những năm gần đây Chính phủ đặc biệt quan tâm và khuyến khích phát triển điện gió và ĐMT, đã thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo vẫn đang gặp nhiều rào cản.
Khó tiếp cận vốn vay
Nhiều số liệu tính toán cho thấy Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á, với tổng tiềm năng điện gió ước đạt hơn 513.000MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020, và lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392MW), Lào (182.252MW) và Campuchia (26.000MW).
Về ĐMT, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII), sẽ nâng công suất đặt từ 6-7MW năm 2017 lên 850MW vào năm 2020 và 12.000MW vào năm 2030, tương đương 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện. 
 Lãi suất cho vay hiện rất cao, thời gian hoàn trả lại ngắn, gây nên áp lực trả nợ vốn vay lên nhà đầu tư. 
Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận các nguồn vốn để triển khai các dự án điện gió, ĐMT đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể với nguồn tín dụng, hiện nay không có nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay đầu tư các dự án ĐMT vì lĩnh vực này khá mới, nhiều cán bộ thẩm định của ngân hàng chưa am hiểu nên tỏ ra khá thận trọng.
Theo đó, khi đánh giá độ rủi ro khi cho vay lĩnh vực này, các ngân hàng yêu cầu vốn đối ứng của doanh nghiệp đầu tư dự án khá lớn, có khi lên đến 35-40%, trong khi quy định của Nhà nước về vốn chủ sở hữu chỉ cần 20% tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, khi cho vay các ngân hàng còn yêu cầu chủ doanh nghiệp phải cầm cố tài sản cá nhân hay phong tỏa các tài sản có thể chuyển đổi khác, khiến nhà đầu tư rất khó để phát triển cùng lúc nhiều dự án.
Trong khi đó, với nguồn vốn nước ngoài mức lãi suất ưu đãi hơn nhưng phải tuân thủ rất chặt chẽ các quy trình về báo cáo khả thi, chất lượng thiết bị, phương pháp quản lý dự án cũng như các biện pháp an toàn về môi trường và xã hội. Ngay cả khi doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của bên cho vay, thủ tục bảo lãnh của họ cũng rất phức tạp. 

Nặng cơ chế “xin - cho”
Ngoài khó khăn về vốn, các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo còn gặp phải những rào cản về cơ chế. Hiện nay ở một số địa phương, mạng lưới truyền tải điện đã quá tải do tốc độ đầu tư lưới điện không theo kịp nhu cầu của các nhà máy sản xuất điện.
 Sự độc quyền trong mua bán điện của EVN đang khiến nhà đầu tư dự án điện gió, ĐMT, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài rất lo ngại.
Vì thế, khi ký hợp đồng mua bán điện với các nhà sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giữ quyền được giảm tiếp nhận điện từ các nhà máy điện nếu khả năng phục vụ của lưới điện không cho phép. Điều này tạo rủi ro cho nhà đầu tư, vì sản lượng điện bán ra có thể thấp hơn công suất tính toán, tùy thuộc vào quyết định của EVN tại từng thời điểm. Sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng không bán đủ hàng chỉ có lỗ hoặc phá sản. 
Rào cản đầu tư năng lượng tái tạo ảnh 1 Tổ hợp năng lượng tái tạo do Tập đoàn Trung Nam đầu tư tại Ninh Thuận. Ảnh: M.TUẤN 
Hiện Việt Nam chưa có quy hoạch tổng thể cấp quốc gia về 2 lĩnh vực này nên việc tìm hiểu, nghiên cứu rồi xin phê duyệt quy hoạch cũng như chủ trương đầu tư rất phức tạp, mất nhiều thời gian và vẫn tồn tại cơ chế “xin-cho”. Việc phê duyệt chủ trương đầu tư hay các trình tự tiến hành cũng không thống nhất ở các địa phương, mỗi nơi có quy trình khác nhau khiến việc đi lại, tìm hiểu thủ tục ở từng địa phương mất nhiều thời gian. 
Trong khi đó, Chính phủ dù khuyến khích nhưng có thời hạn, thí dụ với ĐMT được hưởng mức giá 9,35 cent/KWh cho những dự án phải phát điện trước ngày 30-6-2019, hay với điện gió mức 8,5 cent/KWh chỉ áp dụng cho các dự án phát điện trước tháng 10-2021. Nếu các thủ tục phê duyệt kéo dài, nhà đầu tư có thể bị trượt so với kế hoạch này, nghĩa là sẽ bán điện với mức giá thấp hơn so với tính toán.
Ngoài ra, để phát được điện lên lưới, từ lúc lập quy hoạch, nghiên cứu khả thi đến khi thi công, đấu nối, nhà đầu tư cần có khoảng 7 thỏa thuận với EVN, như thỏa thuận đấu nối, đo đếm… Bất kỳ thỏa thuận nào chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến các thỏa thuận sau đó và ảnh hưởng đến tiến độ phát điện của dự án. Đây là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư, chưa kể khó khăn về vốn hay đàm phán mua thiết bị từ nước ngoài, thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan… 
Mới đây, Bộ Tài chính có Thông tư 18/2019 bãi bỏ thực hiện Thông tư 134/2014 từ 20-5-2019, đã khiến nhà đầu tư phải ứng lượng vốn lớn nộp thuế VAT cho thiết bị nhập khẩu, sau mới được hoàn thuế. Đặc thù của điện gió và ĐMT là suất đầu tư cao hơn so với một số nguồn năng lượng khác, nếu không ưu tiên nhà đầu tư phải huy động nhiều vốn hơn để thực hiện dự án.   

Giải pháp tháo gỡ
Để tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo nói chung, điện gió và ĐMT nói riêng phát triển, tôi kiến nghị một số giải pháp. Thứ nhất, về thủ tục và chính sách, Chính phủ sớm ban hành quy hoạch tổng thể về phát triển điện gió và ĐMT để nhà đầu tư có thể lựa chọn một cách minh bạch dự án mình quan tâm. Đồng thời, Chính phủ nên có hướng dẫn cụ thể về quy trình thủ tục, rút bớt các thủ tục phê duyệt, giao cơ quan đầu mối thống nhất thẩm định dự án, không nên có quá nhiều bước như hiện nay. 
Trách nhiệm của địa phương, của Bộ Công Thương đến đâu phải quy định minh bạch, thời hạn phê duyệt và trả lời nhà đầu tư cũng cần rõ ràng, tránh cơ chế - xin cho những nhiễu. Các thỏa thuận và hợp đồng mua bán điện với EVN cũng cần đơn giản hóa và đảm bảo công bằng, dân chủ trong hợp tác. Các tài sản do doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống lưới điện cần được EVN ghi nhận và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, không nên “bàn giao không đồng cho EVN” như hiện nay.
Thứ hai, về năng lực tiếp nhận và điều phối của lưới điện, EVN nên có kế hoạch dài hạn về đầu tư, nâng cấp lưới điện và công bố công khai khả năng tiếp nhận mua điện của mình ở từng vùng cho nhà đầu tư được biết.
Nếu EVN khó khăn về vốn nên nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách thu hút tư nhân đầu tư vào lưới điện quốc gia rồi bàn giao cho họ vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng. Từ đó phá dần thế độc quyền của EVN và từng bước xã hội hóa ngành này theo lộ trình mà Chính phủ có thể kiểm soát, giống như với ngành nước trước đây.  

Các tin khác