Phương thức phát hành kép giữa rạp và ứng dụng trực tuyến kiểu mới của Hollywood được coi là đang tiếp tay cho phim lậu. Nửa đầu năm 2021, nhiều nước ghi nhận phim với chất lượng hình ảnh cao bị phát tán trái phép sớm và nhiều hơn những năm trước.
Hiện nay, các nhà rạp tại Việt Nam đang đóng cửa chống dịch chưa biết đến khi nào mới được mở trở lại. Cùng với đó là sự chờ đợi, chất đống của loạt phim hấp dẫn chưa thể công chiếu trên màn ảnh lớn.
Có bản online là có phim lậu
Hiện nay loạt phim mới của Hollywood được các nhà rạp Việt Nam mua bản quyền đã xuất hiện trên internet, từ "bom tấn" mới nhất của Marvel “Góa phụ đen,” sự trở lại của phim hoạt hình-người đóng “Space jam: Kỷ nguyên mới”...
Nguyên nhân chính là vì những bộ phim này được áp dụng phương thức phát hành kép kiểu mới - kết hợp giữa phát hành tại rạp và trên nền tảng chiếu phim trực tuyến. Đây là cách thích nghi của hai “ông lớn” Warner Bros. và Disney trong mùa dịch hoành hành, các rạp phim đóng cửa hoặc phải hoạt động cầm chừng ở nhiều nơi để đảm bảo giãn cách.
Trước đây để có phim lậu sớm nhất, kẻ phát tán thường quay lén ngay tại rạp rồi tung lên mạng. Tuy nhiên bản phim này thường nhòe, lẫn tạp âm hoặc bị rung, lắc. Nếu muốn phát tán bản phim đẹp thì phải chờ đến khi đĩa DVD/blu-ray của phim ra mắt (4-6 tháng sau khi phim ngưng chiếu tại rạp).
Hiện nay, khi Warner Bros. và Disney cùng áp dụng phương thức phát phim kép, ngay khi loạt bản online của các "bom tấn" mới xuất hiện trên các ứng dụng độc quyền HBO Max và Disney+ thì bản phim lậu cũng lập tức được tung lên mạng để xem miễn phí.
Đơn cử như “Vùng đất câm lặng 2” ("A silent place 2") được dự kiến ra mắt ngày 18/6 tại Việt Nam nhưng bộ phim đã ra mắt trên thế giới từ này 28/5. Và, sau 45 ngày chiếu rạp, Paramount đã tiếp tục đưa phim lên nền tảng Netflix và Paramount+. Ngay lập tức, phim này đã được đưa lên một số trang web chiếu phim lậu.
Sống chung với lũ?
Dù nhận thức rõ về các vấn đề phim lậu, song các nhà rạp tại Việt Nam hiện không có cách khắc phục. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc phát hành của CJ CGV tại Việt Nam cho biết: “Đây là vấn đề chung mà quốc gia nào cũng phải đối mặt. Chúng tôi vẫn sẽ chiếu những bộ phim này khi rạp được mở cửa, buộc phải chấp nhận cảnh doanh thu có thể giảm tới 60%, 70%.”
“Năm ngoái, phần ngoại truyện của thương hiệu ‘Quá nhanh quá nguy hiểm’ - ‘Fast and Furious: Hobb and Shaw’ đạt doanh thu khoảng 8 triệu USD tại Việt Nam. Sắp tới, nếu ‘Quá nhanh quá nguy hiểm 9’ có sức hút tương tự, chúng tôi xác định có thể sẽ chỉ thu về được khoảng 30% đến 40% doanh số của phim trước,” ông Hải nhận xét.
Các nhà chức trách tại Việt Nam từng rất đau đầu với vấn nạn phim lậu, từng liên tục chặn nhiều tên miền vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, việc chặn tên miền không thể có hiệu quả triệt để vì có trang web đặt máy chủ tại nước ngoài, có trang web chỉ cần thay đổi một chút ở tên miền là dễ dàng “hồi sinh” - điển hình như tên miền phimmoi.net…
Thế giới cũng không thoát khỏi cái gai mang tên “phim lậu.” Trước đó vào năm 2015, “Biệt đội đánh thuê 3” ("The expendables 3," 2015) của Sylvester Stallone bị phát tán trái phép trước khi ra rạp, bị tải về hơn 100.000 lượt, mất 100 triệu USD theo tính toán của tờ Variety. Số liệu BoxMojo.com cho biết doanh thu của phần ba chỉ đạt 206 triệu USD, giảm mạnh so với 305 triệu USD của phần hai và 274 triệu USD của phần một.
Lúc bấy giờ, tờ Variety dẫn lời Avi Lerner - nhà sản xuất của bộ phim rằng ông đã suy sụp, ước tính phim của mình bị thiệt hại mất 250 triệu USD song con số này chưa được xác minh. Ông này còn dự định gửi kiến nghị lên tổng thống Barack Obama và bày tỏ quyết tâm truy lùng từng người đã tải lậu bộ phim của mình.
Trước tình trạng ấy, những người yêu phim chân chính vẫn khẳng định mong muốn được xem phim tại rạp với màn ảnh lớn, âm thanh cao cấp, chất lượng. Song việc thất thu vì phim lậu là không thể tránh khỏi. Số phận của phim và rạp không chỉ tùy thuộc vào dịch bệnh, mà còn cả trong ý thức xem phim của khán giả.