(ĐTTCO) - Góp mặt trong câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô từ năm 2013, mấy năm qua xuất khẩu rau quả luôn đạt những kết quả rất đáng khích lệ, đặc biệt trong năm 2015 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã vượt qua mục tiêu ban đầu.
Thâm nhập các thị trường khó tính
Những ngày gần đây, thông tin về kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của ngành hàng rau quả đang thu hút được sự quan tâm rất lớn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 2,2 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2014. Tuy nhiên, một đại diện của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết đã có sự nhầm lẫn, phía hiệp hội đã làm việc với Bộ Công Thương và con số cuối cùng về kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2015 là 1,850 tỷ USD. Cụ thể, theo tổng hợp của Hiệp hội Rau quả, tháng 11 năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả là 147 triệu USD từ đó nâng kim ngạch xuất khẩu của 11 tháng năm 2015 lên 1,673 tỷ USD. Riêng trong tháng 12, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 177 triệu USD, nâng tổng kim ngạch toàn ngành trong năm qua lên 1,850 tỷ USD. Nhưng dù là 2,2 tỷ USD hay 1,8 tỷ USD thì năm 2015 ngành rau quả cũng đã có một kết quả khá tốt và vượt qua chỉ tiêu ban đầu của ngành là 1,65 tỷ USD.
Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, rau quả Việt Nam trong năm 2015 đã đẩy mạnh xuất khẩu qua những thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), việc tiếp cận những thị trường này nhờ thời gian qua nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình trong tháng 9-2015, có trên 20ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa việc giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đang gây nên những rủi ro về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng. Hay như xoài cát chu của Việt Nam cũng đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản. Tính đến nay đã có 20 tấn xoài cát chu được xuất đi Nhật và để giảm chi phí, xoài cát chu đang được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không. Một điều đáng mừng là người tiêu dùng ở Nhật Bản khá ưa chuộng mặt hàng này và có nhu cầu tiêu dùng khá lớn, điều này mở ra cơ hội lớn cho trái xoài cát chu của Việt Nam.
![]() |
Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác quảng bá cho các mặt hàng rau quả có thế mạnh. |
Còn nhiều thách thức
Việc có thể xuất khẩu vào nhiều thị trường, nhất là những thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng, không chỉ giúp rau quả Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc mà còn làm tăng giá trị cho mặt hàng này. Tuy nhiên, hành trình để xoài Việt Nam vào được Nhật Bản hay thanh long vào thị trường Hoa Kỳ không đơn giản. Hay như câu chuyện trái vải trong năm 2015 cũng rất đáng quan tâm. Năm 2015 đánh dấu một bước quan trọng trong xuất khẩu vải khi thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc để qua những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia… Tuy vậy, để có thể qua những thị trường này quả vải Việt Nam cũng phải trải qua những quy trình trồng, chiếu xạ rất gắt gao. Nhưng khi sang tới thị trường Australia, trái vải Việt Nam lại có giá thành cao hơn vải Australia, Thái Lan và Trung Quốc nên khả năng cạnh tranh rất khó. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, để quả vải có chỗ đứng tại nước này, Việt Nam cần xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho DN. Hàng không Việt Nam cần có chính sách giảm cước vận chuyển hoặc DN phải tính phương án vận chuyển bằng đường biển để giảm chi phí.
Trở lại câu chuyện của xoài cát chu, để trái xoài này vào được một thị trường khó tính như Nhật Bản, chúng ta đã phải mất 5 năm hoàn tất các quy trình theo tiêu chuẩn. Nhưng vào được rồi cũng không phải đã hết thách thức. Thông thường những thị trường như Nhật Bản có những đòi hỏi rất cao như phải duy trì được tính ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ đơn hàng… Song xoài lại chỉ có mùa vụ cố định, rất khó đảm bảo lượng hàng duy trì đều trong các tháng. Thêm một thách thức nữa cho trái cây Việt Nam chính là diện tích vùng trồng đạt tiêu chuẩn còn ít, nên giá thành khó cạnh tranh khi xuất ngoại. Một thực tế không chỉ của riêng rau quả khi xuất khẩu đó chính là việc xây dựng thương hiệu. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Đăng Doanh từng chia sẻ vấn đề sống còn của rau quả xuất khẩu là phải có thương hiệu. Hiện tại đã có một số loại trái cây được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam như: Bưởi Năm roi Hoàng Gia, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… nên thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thêm vào đó, để rau quả Việt Nam có thể được bạn bè quốc tế biết đến thì việc quảng bá là hết sức cần thiết. Nhưng cho đến nay công tác quảng bá chung cho rau quả Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết những thách thức nói trên cần sự vào cuộc và chung tay của các cơ quan chức năng, DN và cả nông dân. Bởi trong thời gian tới, nhóm ngành này cần phải cải thiện để đón đầu các cơ hội giảm thuế khi các hiệp định thương mại tư do song phương và đa phương Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết chính thức có hiệu lực.