TPHCM sắp đón chào hàng loạt hoạt động văn hóa, giải trí lớn. Ảnh: MINH TRIẾT
Theo đó, trong chuỗi hoạt động sẽ có: trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố khu trung tâm thành phố; chương trình Countdown đón chào năm mới (Dương lịch); chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đêm giao thừa Tết cổ truyền tại đầu đường hầm sông Sài Gòn; chương trình biểu diễn nghệ thuật tại TP Thủ Đức và các quận, huyện, nhà văn hóa, trường đại học, các khu chế xuất, khu công nghiệp… Cùng với đó là nhiều hoạt động thể thao như Giải Marathon TPHCM lần X “HCMC Marathon 2023”, Liên hoan Võ thuật TPHCM, Giải đua xe đạp phong trào…
Sở VH-TT cũng cho biết, đường hoa, đường đèn năm nay có chủ đề “Xuân an vui - Xuân thịnh vượng”.
Về các hoạt động Tết Văn hóa – Nghĩa tình và chuỗi sự kiện Mừng xuân Quý Mão - Mừng Đảng quang vinh, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2023), Sở VH-TT cho biết có khoảng 19 hoạt động, gồm: chương trình Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Triển lãm “Mừng xuân Quý Mão - Mừng Đảng quang vinh”; Họp mặt kiều bào mừng Xuân Quý Mão năm 2023; Gặp Lãnh sự Đoàn các nước đầu năm 2023; Chợ hoa tết “Trên bến, dưới thuyền” quận 8; Ngày hội Bánh tét; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Lễ hội Đường sách tết; Đường hoa Nguyễn Huệ; Chương trình sân khấu hóa Kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 - 2023); Chương trình biểu diễn Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Lễ hội Tết Nguyên tiêu và Ngày thơ Việt Nam…
Cũng theo thông tin từ Sở VH-TT, từ ngày 2-12 đến ngày 4-12, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1) diễn ra Lễ hội “Thành phố Hồ Chí Minh - Ngôi nhà chung của chúng ta” năm 2022.
Lễ hội sẽ giới thiệu đến cộng đồng quốc tế những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng các nước quảng bá nét đặc trưng văn hóa dân tộc đến người dân thành phố, tạo sân chơi cho cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại TP tham gia. Dự kiến, lễ hội sẽ có khoảng 23 thành phố kết nghĩa tham dự.
Không gian lễ hội chia thành nhiều khu vực: giới thiệu văn hóa một số quốc gia, địa phương quốc tế và TPHCM; triển lãm “Hoạt động đối ngoại của TPHCM - Ngôi nhà của chúng ta”; trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; không gian ẩm thực, không gian quảng bá du lịch…
Ngoài ra, sẽ có hàng loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: múa rối nước, diễn xiếc, ảo thuật, hòa tấu guitar, violin, trống, Lân Sư Rồng; biểu diễn võ thuật truyền thống các nước (Vovinam, võ cổ truyền, Karate, Taekwondo, Pencak silat, Wushu); biểu diễn áo dài, trang phục truyền thống các dân tộc, vùng miền Việt Nam và các nước.
Đặc biệt, trong lễ hội tổ chức chương trình Đối thoại Hữu nghị TPHCM lần thứ nhất năm 2022 chủ đề “Thích ứng, phục hồi, kiến tạo, phát triển”; sự kiện Tuần văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TPHCM năm 2022; Liên hoan Nhạc kèn TPHCM lần 1. Người dân tại thành phố có dịp thưởng thức hát then, đàn tính, khèn, múa xòe của dân tộc Mông, Thái thuộc khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu.
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Võ Trọng Nam, Liên hoan Nhạc kèn TPHCM lần 1 là hoạt động mới tại thành phố dù việc tổ chức liên hoan kèn đồng không còn xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Hiện TPHCM có 325 nhóm kèn, sẽ có 40-50 nhóm kèn được lựa chọn tham gia liên hoan lần này. Liên hoan bên cạnh việc tạo sân chơi cho các nhóm kèn còn giúp phát triển chương trình trở thành nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc tại TPHCM trong thời gian tới.
Về vấn đề bãi giữ xe và lo ngại tập trung đông người trong các lễ hội lớn sắp tới, ông Võ Trọng Nam cho hay, Lực lượng TNXP TPHCM, UBND quận 1 và các phòng chức năng đã lên kế hoạch hỗ trợ người dân. "Việc này đã làm thường xuyên hàng năm rồi. Các đơn vị, phòng chức năng sẽ nỗ lực để đảm bảo người dân có một mùa lễ hội, liên hoan ý nghĩa, an toàn", Phó Giám đốc Sở VH-TT chia sẻ.