Anh Nguyễn Phi Hùng cũng như nhiều công nhân của Công ty TNHH Song Nguyễn Phát, đang miệt mài với công việc lắp đặt hàng rào, dãy phân cách - một trong những hạng mục cuối cùng của công trình đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
Ông Huỳnh Văn Dũ, công nhân đang thực hiện khâu dặm vá, sửa chữa các hạng mục phụ ở dãy phân cách của đường cao tốc tại đoạn Thị xã Cai Lậy cũng cho biết, rất hào hứng khi lao động trong thời điểm “nước rút” này. Công việc có phần nhẹ hơn trước đây nhưng phải đảm bảo chất lượng, nhất là mặt thẩm mỹ để công trình sớm hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân khu vực: “ Gần Tết, công việc rất thuận lợi, anh em đi làm cũng phấn khởi. Bây giờ làm toàn máy móc, cũng nhàn. Gần Tết cổ truyền mình cố gắng làm để xong trước Tết. Giám đốc đơn vị này nói làm xiết luôn, Tết dương lịch làm luôn không nghỉ ngày nào, vẫn phấn khởi, bây giờ bà con ai cũng mừng”.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (đơn vị chủ dự án xây đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) trên công trường hiện nay có khoảng 1.000 cán bộ, công nhân lao động đang làm việc khẩn trương kể cả ngày chủ thứ Bảy, Chủ nhật. Riêng trong những ngày Tết dương lịch này anh em cũng bám công trường làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Phương, người dân xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang rất háo hức khi chứng kiến dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sắp hoàn thành. Ông cho biết, đường cao tốc hoàn thành người dân rất vui, là “ ý Đảng- lòng Dân”.
“Phải nói đường cao tốc năm nay nếu hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra người dân cả vùng ĐBSCL rất mừng, phấn khởi. Vì hàng năm, khi Tết công nhân về vùng ĐBSCL quá tải quốc lộ 1, tai nạn giao thông rất nhiều. Cho nên đường cao tốc hoàn thành trước Tết đi lại dễ dàng, thông được tuyến giao thông đường bộ. Vùng ĐBSCL sẽ phát triển, Đảng - Nhà nước chăm lo cho người dân như vậy người dân rất vui mừng”- ông Dân nói.
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Tiền Giang, dự án đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đi qua địa bàn tỉnh Tiền Giang dài 51,5 km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương thuộc huyện Châu Thành) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 xã An Hữu, huyện Cái Bè. Quy mô mặt đường rộng 17 mét, 4 làn xe cao tốc rộng 3,5m/làn và dãy phân cách giữa và 56 cây cầu với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng. Đến nay, công trình xây dựng tuyến cao tốc này đạt gần 84% khối lượng. Các hạng mục còn lại đang được các nhà thầu tổ chức thi công khẩn trương để sớm hoàn thành là: dỡ tải gần 200 mét tại tuyến nối nút giao Cai Lậy, bê tông nhựa tuyến chính nhiều km tại địa bàn huyện Cái Bè, xây 3 cây cầu vượt, 6 cống, các hạng mục an toàn giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh (ITS) và trạm thu phí.
Với tiến độ khẩn trương như hiện nay có thể vào đầu năm mới 2022, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận sẽ thông tuyến; đảm bảo kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương để sớm đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân và doanh nghiệp vùng Châu thổ Cửu Long./.
Một số hình ảnh công nhân đang khẩn trương hoàn thành tuyến đường: