PHÓNG VIÊN: - Nhiều NHTM đang hết room trong khi cần tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng kiểm soát tăng trưởng tín dụng (TTTD) bằng việc cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng) hàng năm cho NHTM là biện pháp hành chính không còn phù hợp. Theo ông tính hợp lý của công cụ này như thế nào?
PGS.TS ĐẶNG NGỌC ĐỨC: - Hạn mức tín dụng đã được NHNN sử dụng như công cụ kiểm soát TTTD từ năm 2011. Thống đốc NHNN cho biết đây là biện pháp rất hiệu quả, giữ thị trường tiền tệ tín dụng ổn định, đã ngăn chặn được những cuộc đua lãi suất để tăng quy mô huy động và cho vay.
Việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các NHTM dựa trên 3 mục tiêu cơ bản: (1) Hạn chế tình trạng TTTD quá cao, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro hệ thống, đồng thời TTTD có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (GDP) quá nóng (tình trạng tỷ giá tăng quá mức); (2) Phân biệt các NHTM hoạt động kinh doanh an toàn và các NHTM có mức độ rủi ro cao hơn; (3) Kiểm soát cơ cấu đầu tư vốn trong nền kinh tế.
Đúng là công cụ này đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2015. Thị trường NH hay hoạt động của các NHTM thuộc khu vực tài chính chính thức của nền kinh tế, do vậy việc kiểm soát tín dụng của NHNN là đương nhiên. Tuy nhiên, phương thức và các công cụ được sử dụng để kiểm soát và can thiệp cần thay đổi phù hợp với các giai đoạn khác nhau.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói tới việc nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng hành chính như hiện nay. Điều này không sai, bởi hạn mức tín dụng chính xác là công cụ hành chính, trực tiếp và cứng nhắc. Công cụ này tác động vào quy mô thị trường tín dụng và rất khó đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Đúng là việc xây dựng chỉ tiêu TTTD của ngành NH có căn cứ/cơ sở từ mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác, nhưng phân bổ hạn mức tín dụng cho các NHTM hàng năm hiện chủ yếu dựa vào xếp hạng NHTM là chưa thực sự khách quan, khoa học và toàn diện.
Ngoài tình trạng mang tính lịch sử/quá khứ về mức độ rủi ro tín dụng của NH, đến nay chúng ta chưa có hệ thống chỉ tiêu đánh giá rõ ràng, khoa học để phân bổ hạn mức. Do vậy, room tín dụng dễ trở thành hình thức “giấy phép con” giống như các quy định hành chính khác.
Theo tôi, đã đến lúc cần xem xét thay thế room tín dụng bằng các công cụ quản lý gián tiếp và linh hoạt hơn. Ở các nước kinh tế thị trường phát triển, hạn mức tín dụng được áp dụng thông qua các công cụ gián tiếp và mềm dẻo, như “cửa sổ chiết khấu” và lãi suất tái chiết khấu.
Khi muốn hạn chế TTTD, NHTW sẽ thu hẹp “cửa sổ chiết khấu” và điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu. Còn khi muốn giảm cơ cấu luồng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản hay chứng khoán, công cụ lãi suất và các chính sách tác động đến thu nhập của nhà đầu tư sẽ được vận hành.
Nói cách khác, các nước kinh tế thị trường phát triển luôn ưu tiên các công cụ gián tiếp hơn là sử dụng hạn mức tín dụng - công cụ mang tính hành chính và trực tiếp vốn tiềm ẩn không ít hệ lụy.
- Nhiều NH xin nới room là thực tế. Như TPBank, VPBank, Techcombank… đã nói với khách hàng vay vốn là hết room hay hết hạn mức tín dụng. Như vậy buộc NHNN phải làm theo NHTM?
Hạn mức tín dụng là công cụ hành chính, trực tiếp và cứng nhắc, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, cần xem xét thay thế bằng các công cụ quản lý gián tiếp và linh hoạt hơn. |
Tuy nhiên, điều này cần được xem xét rất thận trọng, bởi lẽ (i) việc nới room tín dụng theo yêu cầu của các NH có thể làm giảm hiệu quả và hiệu lực của chính công cụ chính sách này trong thời gian tới nếu tiếp tục được áp dụng; (ii) nguy cơ TTTD nóng và áp lực kiểm soát đích đến của dòng vốn tín dụng (để không đi vào thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng); (iii) khó khăn trong việc giải trình về chỉ tiêu, cách thức phân bổ room được nới lỏng, tiêu chuẩn đối tượng được nới lỏng...
Về công cụ hạn mức tín dụng, theo tôi nên bỏ và thay thế bởi các công cụ gián tiếp như nhiều nước đang thực hiện, vì 5 lý do: Thứ nhất, các NH phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm cả lợi nhuận và rủi ro. Mặt khác, đã đến lúc cần đặt niềm tin vào các NH và điều này sẽ thúc đẩy họ phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm với xã hội.
Thứ hai, quy mô hoạt động của các NH đã được kiểm soát bởi các chỉ tiêu như quy mô vốn chủ sở hữu, hệ số đầy đủ vốn cũng như các chỉ tiêu an toàn khác theo Thông tư 41/2016 của NHNN có hiệu lực từ tháng 1-2020.
Thứ ba, hoạt động thanh tra và giám sát của NHNN để đảm bảo tính hợp pháp, hiệu quả và an toàn của các NHTM cũng đã được thực hiện kết hợp trên các cơ sở tuân thủ và cơ sở rủi ro.
Thứ tư, phân bổ hạn mức tín dụng luôn là công cụ hành chính trực tiếp, phù hợp với giai đoạn nhất định, cần phải được thay thế bằng công cụ khác mang tính gián tiếp, hiệu quả và ít hệ lụy hơn. Thay thế công cụ phân bổ hạn mức tín dụng sẽ hạn chế tình trạng điều hành “giật cục” gây ra những cú sốc của thị trường tài chính và nền kinh tế, đồng thời góp phần tăng cường sự công bằng, minh bạch.
Thứ năm, xóa bỏ hạn mức tín dụng sẽ tạo động lực phát huy tối đa năng lực và nguồn lực của mỗi NHTM trong việc dẫn truyền vốn mà vẫn có thể đảm bảo những tuân thủ cơ bản, cũng như sự an toàn trong hoạt động kinh doanh và xây dựng nền tảng khách hàng cốt lõi ổn định.
- Xin cảm ơn ông.