Rủi ro tiềm ẩn ngân hàng kinh doanh vàng

Kinh doanh vàng từng là cơ hội tốt của ngân hàng trong thời gian dài nhưng hiện nhiều ngân hàng đang đối mặt với rủi ro khi giá vàng tăng mạnh.

Kinh doanh vàng từng là cơ hội tốt của ngân hàng trong thời gian dài nhưng hiện nhiều ngân hàng đang đối mặt với rủi ro khi giá vàng tăng mạnh.

Ngày 25-9, giá vàng tăng liên tục trong thời gian dài khiến vàng được coi là kênh đầu tư có lợi nhuận cao cho ngân hàng, đặc biệt là nhóm 5 ngân hàng thương mại được mua bán vàng tài khoản.

Tuy nhiên, khoản phải thu rất lớn từ hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt từ các giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn trong báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng đã hé lộ bức tranh đầy rủi ro từ lĩnh vực này.

Rủi ro đầu tiên là nguy cơ khách hàng bỏ thực hiện hợp đồng kỳ hạn nếu không còn đủ năng lực tài chính.

Các hợp đồng kỳ hạn được thực hiện khi khách hàng dự báo giá vàng giảm, họ ký hợp đồng bán vàng cho ngân hàng với mức giá cố định tại thời điểm ký. Nếu vàng giảm đúng như dự báo, họ sẽ mua vàng trả lại ngân hàng và thu lời từ chênh lệch giá. Ngược lại, nếu giá vàng tăng, khách hàng sẽ lỗ. Vàng tăng càng nhiều, khoản lỗ càng lớn.

Ví dụ, khách hàng ký hợp đồng bán 100 lượng vàng cho ngân hàng với giá 35 triệu đồng/lượng trong vòng 6 tháng. Họ ký quỹ 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Nếu hết 6 tháng, giá vàng tăng lên 40 triệu đồng/lượng, khách hàng lỗ 5 triệu đồng/lượng.

Theo hợp đồng, họ sẽ phải mua lại 100 lượng vàng trả lại cho ngân hàng nhưng do lỗ quá nặng, họ không thể thực hiện hợp đồng mà chỉ đóng thêm tiền ký quỹ đã bị hụt do vàng tăng giá, còn trên báo cáo tài chính của ngân hàng, khoản này được ghi vào "phải thu". Nhưng như nói trên, vì lỗ nặng nên thu được không đơn giản. Đó là rủi ro mất vốn đầu tiên của ngân hàng. Đáng nói là khoản này ở nhiều ngân hàng rất lớn.

Đơn cử như tại một ngân hàng thương mại lớn, riêng khoản phải thu từ ký quỹ của giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn đã lên tới gần 24.000 tỉ đồng. Số tiền này gần 8 lần vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại, gấp đôi vốn điều lệ của những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Rủi ro thứ hai đến từ tài sản đảm bảo của các hợp đồng vàng kỳ hạn.

Báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy tài sản đảm bảo gồm tiền gửi, cổ phiếu, chứng thư bảo lãnh, các khoản đảm bảo khác...

Cũng như trong vấn đề nợ xấu, ngân hàng luôn biện minh rằng tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn khoản vay. Nhưng trong trường hợp khách hàng lỗ, bỏ hợp đồng thì liệu các ngân hàng có thể bán cổ phiếu để thu hồi vốn? Phải khẳng định là rất khó.

Với tình trạng mất thanh khoản của thị trường chứng khoán hiện nay, bán được cổ phiếu, nhất là với số lượng lớn, còn khó hơn lên trời. Ngay cả nếu bán được đi chăng nữa thì giá trị thu vào khó bù đắp nổi thiệt hại từ các hợp đồng này.

Rủi ro thứ ba đến từ sự thiếu rõ ràng trong các báo cáo tài chính.

Hầu hết các ngân hàng đều không thuyết minh rõ ràng những giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên báo cáo tài chính. Những khoản "phải thu khác", "tài sản đảm bảo khác"... có giá trị lớn như lại bị ẩn đi. Tại sao phải ẩn đi, cần được trả lời để làm rõ sức khỏe thực sự của các ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh vàng đã từng là cơ hội tốt với các ngân hàng trong một thời gian dài nhưng giờ đây, nhiều ngân hàng đang đối mặt với rủi ro khi giá vàng tăng mạnh ngoài dự báo.

Tất nhiên, chưa tất toán hợp đồng, chưa đóng vị thế thì các khoản lỗ chưa hiện hình thành các con số cụ thể. Nhưng những nguy cơ này, cơ quan quản lý cần phải thấy được để có giải pháp ứng phó kịp thời. Quan trọng hơn là siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Các tin khác