Rượu sake - cú hích xuất khẩu Nhật Bản

Tại các sân bay quốc tế trên toàn quốc, chính phủ Nhật Bản đang tài trợ cho các gian hàng nếm rượu sake. Chương trình dự kiến diễn ra ít nhất cho đến tháng 3, là một phần trong nỗ lực đưa sản phẩm văn hóa Nhật ra thế giới, kỳ vọng mang đến cú hích cho xuất khẩu Nhật Bản.

Tại các sân bay quốc tế trên toàn quốc, chính phủ Nhật Bản đang tài trợ cho các gian hàng nếm rượu sake. Chương trình dự kiến diễn ra ít nhất cho đến tháng 3, là một phần trong nỗ lực đưa sản phẩm văn hóa Nhật ra thế giới, kỳ vọng mang đến cú hích cho xuất khẩu Nhật Bản.

Trong tháng 12, ẩm thực truyền thống Nhật Bản đã được UNESCO công nhận “di sản văn hóa phi vật thể”. Chính phủ Nhật Bản hiện đang tài trợ cho chương trình được gọi là Cool Japan nhằm xuất khẩu các loại  hàng hóa “mềm” như thực phẩm và đồ uống, phim hoạt hình, âm nhạc, thời trang.

Mặc dù rượu sake và các loại hàng hóa “mềm” sẽ khó lấp đầy khoảng trống của sự xói mòn trong những ngành công nghiệp cốt lõi như thiết bị điện tử, nhưng chính phủ Nhật Bản dường như đang thực hiện phương châm “năng nhặt, chặt bị”.

Với rượu sake và các sản phẩm từ lúa gạo, chính phủ hy vọng tới năm 2020 sẽ tăng gấp 5 lần kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 60 tỷ yen (590 triệu USD). Ông Hideharu Ohta, giám đốc hãng rượu sake Daishichi ở tỉnh Fukushima, cho biết: “Các chính phủ thường tập trung vào điện tử, xe hơi và giảm thuế cho những thứ đó. Hầu như chưa có chiến dịch quảng bá rượu sake cho tới thời chính phủ hiện nay”.

Rượu sake đóng vai trò quan trọng trong ẩm thực truyền thống của Nhật Bản, tuy nhiên, trong vài thập niên qua lượng tiêu thụ đã giảm mạnh vì nhiều người chuyển sang những thức uống khác như bia, rượu whisky, shochu sản xuất trong nước hoặc rượu vang nhập khẩu.

2 thập niên giảm phát và dân số lão hóa đã gây ra vấn đề lớn đối với thị trường nội địa, buộc các nhà sản xuất đồ uống có cồn gia nhập cuộc chạy đua của các công ty Nhật Bản tìm cách kinh doanh nhiều hơn ở nước ngoài.

Gần đây, nhà sản xuất rượu bia Suntory đã đồng ý chi 13,6 tỷ USD mua công ty đồ uống Hoa Kỳ Beam. Các nhà sản xuất rượu sake không có túi tiền “khủng” như gã khổng lồ Suntory. Ngành công nghiệp rượu sake đang rất phân tán với hàng trăm nhà sản xuất nhỏ nằm rải rác từ đảo Hokkaido ở phía Bắc cho tới đảo Kyushu ở phía Nam.

Bên trong một cơ sở sản xuất rượu sake.

Bên trong một cơ sở sản xuất rượu sake.

Năm 2012, Hoa Kỳ chiếm hơn 1/3 xuất khẩu rượu sake của Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu rượu sake Nhật Bản đạt 8,9 tỷ yen (khoảng 87 triệu USD), tuy đã tăng so với 7,5 tỷ yen của 1 thập niên trước đó nhưng vẫn rất nhỏ bé nếu so với 7,7 tỷ USD giá trị rượu vang Pháp xuất khẩu trong cùng năm 2012.

Chính phủ Nhật Bản phải đối mặt với một trận chiến cố gắng thu hút khách hàng nước ngoài. Vấn đề đầu tiên là giá cả, vì với chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu, giá rượu sake có thể đắt lên gấp 2-3. Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã tìm cách đưa rượu sake vào các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cắt giảm thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa. Một vấn đề khác là sự nhầm lẫn.

Có nhiều nhãn rượu sake không thể đọc được nếu không biết tiếng Nhật, và nhiều loại mang mác rượu sake được phục vụ trong các nhà hàng Nhật Bản ở nước ngoài thật ra không phải là rượu sake chính cống. Do đó, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã nỗ lực giới thiệu rượu sake thứ thiệt thông qua các hội nghị và các kênh tiếp thị khác.

Hiệp hội Sản xuất sake và shochu Nhật Bản cũng lần đầu tiên chọn ra Hoa hậu Sake với sứ mệnh tham gia các sự kiện như lễ hội “Joy of Sake” ở Hawaii vào mùa hè này. Ở tầm nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chọn đặc sản rượu sake của hãng Asahi Shuzo ở tỉnh nhà Yamaguchi làm quà tặng Tổng thống Nga Vladimir V. Putin vào dịp sinh nhật lần thứ 61, và cũng tặng cho Tổng thống Pháp François Hollande nhân chuyến ông viếng thăm Tokyo.

Các tin khác