Rusalka - Chưa đến hồi kết

Mới tháng trước, tưởng chừng dự án Rusalka sẽ được khởi động lại sau thời gian dài bị bỏ hoang phế trên vị trí đất du lịch đẹp nhất thành phố biển Nha Trang, nhưng nay việc tranh chấp quyền lợi tại dự án này vẫn tiếp diễn.

Mới tháng trước, tưởng chừng dự án Rusalka sẽ được khởi động lại sau thời gian dài bị bỏ hoang phế trên vị trí đất du lịch đẹp nhất thành phố biển Nha Trang, nhưng nay việc tranh chấp quyền lợi tại dự án này vẫn tiếp diễn.

Yêu cầu không thanh lý Rusalka

Như thông tin Báo ĐTTC số 446 ra ngày 18-8 đã đăng tải: Ngày 10-8-2011, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa và ông Nguyễn Đức Chi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Phát triển du lịch Rus-Invest-Tur (RIT), thông báo về việc thanh lý dự án Rusalka (trước đây do RIT làm chủ đầu tư, với sự góp vốn của 3 cổ đông, đều có trụ sở tại Nga).

Sau khi có thông báo này, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại (BMC) đã có nhiều công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa… về việc giải quyết tài sản của BMC tại Rusalka.

Các chủ thầu đã đầu tư thi công vào dự án Rusalka để xây dựng cơ sở hạ tầng, nay lo lắng vì khó thu hồi vốn.

Các chủ thầu đã đầu tư thi công vào dự án Rusalka
để xây dựng cơ sở hạ tầng, nay lo lắng vì khó thu hồi vốn.

BMC kiến nghị nên dừng việc thanh lý Rusalka, vì theo BMC, nếu thanh lý thành công, BMC sẽ thiệt hại rất lớn khi nhà đầu tư cũ chưa giải quyết hết khoản nợ BMC tiền thi công. Theo BMC: “Khi dự án Rusalka triển khai, BMC là chủ thầu lớn, hầu như đảm nhận mọi công trình xây dựng cơ bản đến hoàn thiện dự án.

Tính đến thời điểm dự án bị niêm phong (năm 2005), BMC đã đầu tư vào Rusalka hơn 74 tỷ đồng, nhưng mới được RIT thanh toán hơn 3,5 tỷ đồng. Việc ông Nguyễn Đức Chi lợi dụng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tìm nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục thực hiện dự án Rusalka, đánh lận mập mờ khái niệm thanh lý tài sản để chiếm dụng vốn, sử dụng trái phép tài sản của các chủ thầu xây dựng trước đây tại Rusalka...

Khi dự án được trao tay cho chủ mới, việc đòi nợ sẽ vô vọng”. Có lẽ vậy nên trong tháng 8 và 9-9, BMC đã có nhiều cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm mọi hình thức chuyển dịch đối với toàn bộ tài sản của BMC tại Rusalka.

Cùng theo BMC, ông Nguyễn Đức Chi đã bị kết án 18 tháng tù giam về tội “giả mạo giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức” để thành lập RIT, bản thân ông Chi là Chủ tịch HĐQT. Do vậy, sau khi dự án Rusalka bị rút giấy phép, xét về tư cách, thẩm quyền, ông Chi không còn quyền hạn gì để đứng ra thanh lý dự án.

 Dùng dằng đến bao giờ?

Trước đơn thư khiếu nại của BMC, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng có ý kiến giao Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu cho tỉnh giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp việc thanh lý những tài sản của BMC.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chi, chủ đầu tư mới của Rusalka thay cho RIT sẽ là CTCP Đầu tư du lịch trọng điểm Nha Trang - Focus Travel, công ty do em trai và một số người quen ông Chi lập ra. RIT chỉ có nghĩa vụ thanh toán cho BMC 54 tỷ đồng nợ gốc, cộng thêm khoản lãi phát sinh trong thời gian từ tháng 5-2005 đến ngày 24-10-2006 (thời điểm RIT bị thu hồi giấy phép đầu tư) với lãi suất 1,3%/tháng tổng cộng khoảng 67 tỷ đồng.

Nhưng theo BMC, RIT phải có trách nhiệm chi trả cho BMC 275,24 tỷ đồng, gồm tài sản cố định 63,5 tỷ đồng, tiền lãi 66,4 tỷ đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng 143,3 tỷ đồng, tiền vay trả lương nhân viên hơn 2 tỷ đồng, mới có thể tiếp quản dự án.

Không chỉ có BMC đòi ngưng việc thanh lý, một số nhà thầu có quan hệ làm ăn với Rusalka đều phản ứng. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn, cho biết nợ gốc của RIT với công ty là 2,4 tỷ đồng, dù việc vay vốn làm ăn của công ty lãi suất 2,1%/tháng (hiện nay) công ty chỉ đòi ông Chi trả nợ với lãi suất 1,3%/tháng, tổng cộng nợ gốc và lãi là 8,75 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Chi chỉ chịu nhận nợ tổng cộng 3,53 tỷ đồng và chuyển trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư mới của Rusalka. Các chủ nợ của dự án Rusalka đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa: Khi các chủ nợ không đạt được thỏa thuận với ông Chi, hoặc nhà đầu tư mới của Rusalka không đồng ý kế thừa công nợ, pháp nhân nào có nghĩa vụ thanh toán công nợ cho chủ nợ? 

Như vậy, xét các tình tiết và diễn biến từ đầu đến cuối dự án Rusalka, sự lo lắng của các chủ nợ với Rusalka là điều dễ hiểu khi tài sản của các chủ nợ đã bỏ vào dự án.

Nay, dự án trên đà thanh lý, tiến đến trao tay cho nhà đầu tư mới, việc cam kết thừa kế nghĩa vụ trả nợ của nhà đầu tư mới sẽ đến đâu khi những dùng dằng về số nợ giũa các bên vẫn chưa thống nhất?

  • Dự án Rusalka tại khu vực Bãi Tiên, TP Nha Trang, diện tích 43,5ha, được cấp giấy phép đầu tư vào năm 2000.
  • Tháng 6-2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt giam bị can Nguyễn Đức Chi, chủ dự án Rusalka về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
  • Ngày 15-10-2006 toàn bộ tài sản tại dự án Rusalka ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) có giá trị hơn 130 tỷ đồng bị kê biên. Ngày 24-10-2006, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka và thu hồi giấp phép đầu tư của RIT.
  • Tháng 4-2011, sau khi ra tù ông Nguyễn Đức Chi gửi đơn đến UBND tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa kiến nghị giải quyết tài sản dự án Rusalka, xin được chuyển giao toàn bộ tài sản thuộc dự án này cho một nhóm người, trong đó có em trai của ông, tiếp quản, tiếp tục triển khai trên vị trí đất cũ.
  • Dự án Rusalka bị "treo" hàng chục năm nay không những gây lãng phí, mà còn làm cho hàng trăm hộ dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng.
  • Các tin khác