Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết đề xuất tháo gỡ khó khăn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) như: áp thuế suất 20% cho DN nhỏ và vừa có doanh thu không quá 200 tỷ đồng/năm và sử dụng dưới 200 lao động; giảm 30-50% thuế GTGT đối với kinh doanh, đầu tư nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại không đồng tình với đề xuất này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với gói hỗ trợ trên 2.600 tỷ đồng gần như không có tác dụng hỗ trợ gì cho DN.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng DN có lợi nhuận đâu mà mất, nên không cần làm nghị quyết. Nhìn chung các ý kiến đều cho rằng nên lồng ghép nội dung trong dự thảo nghị quyết vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN và áp dụng sớm, thay vì đưa ra một nghị quyết hỗ trợ vừa tủn mủn, dễ phát sinh tiêu cực.
![]() |
Tính hiệu quả của việc tháo gỡ khó khăn DN chưa như mong muốn. |
Ngoài những lý do trên, có thể thấy việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bác các đề xuất trong dự thảo nghị quyết là tương đối hợp lý. Thực tế, tính hiệu quả của việc tháo gỡ khó khăn của DN bằng các biện pháp này dường như chưa được như mong muốn.
Còn nhớ, để tháo gỡ khó khăn cho DN, năm 2011 và 2012, Chính phủ đã thực hiện và đề xuất Quốc hội thông qua hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như giãn thời gian nộp thuế TNDN, GTGT; miễn và giảm thuế TNDN…
Thế nhưng, hiệu quả của việc miễn, giảm này đến đâu chưa được Bộ Tài chính đánh giá một cách rõ ràng và thực tế cho thấy, số DN giải thể, phá sản trong 2 năm 2011 và 2012 vẫn lên tới khoảng 100.000 DN. Tất nhiên, một mình chính sách tài chính không thể xoay chuyển được tình hình kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn như vừa qua, nhưng những số liệu về DN “chết” nhiều, thu ngân sách gặp khó khăn cho thấy cần phải nhìn lại các biện pháp đã áp dụng không có nhiều đột biến.
Trong khi đó, một trong những giải pháp quan trọng trong chính sách thuế được đề cập nhiều để hỗ trợ DN giải phóng hàng tồn kho hiện nay là giảm thuế GTGT. Đây là chính sách đòn bẩy góp phần kích thích tiêu dùng. Nếu áp dụng, người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá hàng hóa hợp lý hơn, các DN cũng sẽ tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn và là biện pháp công bằng hơn đối với các DN.
Theo các chuyên gia, việc miễn, giảm thuế như thời gian qua, thực chất không có nhiều tác dụng và chỉ là giải pháp hỗ trợ cho những DN có lợi nhuận, trong khi những DN đứng trên bờ vực phá sản lại không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất cũng chưa mang lại nhiều thay đổi vì những vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho của DN còn lớn.
Trong khi đó, tăng giá điện, xăng dầu... lại luôn là áp lực lớn đẩy chi phí của DN lên cao, gánh nặng vào người tiêu dùng. Một vòng xoáy những khó khăn vài năm qua chưa có được lời giải: sức mua giảm, tồn kho tăng, DN phá sản, thất nghiệp tăng, sức mua càng giảm,…
Trái ngược với bác đề xuất của Chính phủ về một nghị quyết tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản đồng ý với tờ trình sau những tiếp thu, sửa đổi của Chính phủ. Đó là giảm thuế TNDN xuống còn 22% (thay vì giảm từ 25% xuống 23% như đề xuất trước đó) và áp dụng từ 1-1-2014. Đồng thời, Chính phủ cũng công bố luôn lộ trình giảm thuế suất phổ thông còn 20% cho giai đoạn 2016-2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời điểm thực thi Luật sửa đổi, bổ sung nên được rút ngắn lộ trình và thực thi từ 1-7-2013. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây là giải pháp quan trọng và lâu dài để hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.
Bên cạnh các biện pháp về thuế để hỗ trợ DN, theo một số chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục kiên trì các mục tiêu đã đề ra như giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; rút ngắn hoặc thực hiện theo đúng lộ trình các giải pháp về tín dụng, giải quyết nợ xấu… Cùng với đó là tiếp tục cải cách kinh tế, đảm bảo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế, xóa bỏ các can thiệp hành chính.