Đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15: “Sách cũ giá thành dao động 50.000-100.000 đồng, còn giá bộ sách mới dao động 200.000-300.000 đồng tùy từng loại sách.
Năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách đương nhiên sách cũ không dùng được cho năm mới, nhưng những sách biên soạn mới hoàn toàn có thể dùng lại được. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào thư viện để học sinh có thể dùng lại nhiều lần”.
Trên thực tế, từ khi triển khai xã hội hóa SGK xảy ra không ít bất cập. Hiện nay, đã có 3 bộ sách chen chân vào trường học là Cánh diều, Chân trời sáng tạo hoặc Kết nối tri thức với cuộc sống, với giá cả khác nhau và áp dụng những hình thức “chiết khấu” khác nhau.
Mỗi môn học trong nhà trường sẽ chọn lựa SGK theo 1 trong 3 bộ sách ấy, nên dẫn đến hệ lụy không chỉ giá sách quá “chát” còn diễn ra tình trạng thiếu hoặc thừa từng loại sách của từng môn học. Thí dụ, SGK lớp 6 có giá cả bộ hơn 400.000 đồng, nhưng vẫn thiếu sách Địa lý và sách Lịch sử. Ở nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, nhà trường quyết định môn học theo bộ sách Cánh diều nhưng hiệu sách chỉ bán loại sách ấy của bộ sách Chân trời sáng tạo. Kết cục, nhiều học sinh học gần hết năm học vẫn chưa mua được SGK.
Tại diễn đàn Quốc hội đã có nhiều ý kiến khá gay gắt về SGK. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ SGK in sai, hình ảnh không chuẩn mực, có quá nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh”. Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: “Liệu có “vụ Việt Á” trong lựa chọn SGK hay không?”.
Hiện tại, đã có 7 nhà xuất bản (NXB) đăng ký bổ sung chức năng ấn hành SGK, nghĩa là thị trường SGK được xác nhận có giá trị của miếng bánh ngon. Quá trình xã hội hóa SGK sẽ cải thiện chất lượng dạy và học ra sao vẫn là ẩn số, ngoài lời phân bua của lãnh đạo ngành giáo dục là giá sách cao do được in giấy đẹp, khổ to.
Thu nhập bình quân người Việt Nam vẫn ở mức thấp, SGK chạy theo tiêu chí giấy đẹp, khổ to vì lợi ích cho ai? Các bậc phụ huynh không tiếc tiền bạc đầu tư cho việc học của con em, nhưng vẫn phải e ngại sự lãng phí. Trước đây, 1 bộ sách hết anh chị rồi đến em học, tiết kiệm được nhiều chi phí cho gia đình đông con. Việc đổi SGK hiện nay xảy ra tình trạng 1 bộ sách chỉ dùng được hết năm học là bỏ đi. Chưa kể, cải cách liên tục gây nhiều khó khăn hơn cho học sinh vì kiến thức hoàn toàn mới, các phụ huynh cũng sẽ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu để hỗ trợ con trong quá trình học tập.
Với chủ trương xã hội hóa, các NXB tự bỏ tiền để mời hội đồng biên soạn, sau đó Bộ GD-ĐT thẩm định và cho phép lưu hành trong nhà trường. Con đường khá lắt léo của SGK đã hình thành thị trường không ít thị phi. Theo quy định của Luật Giá, SGK do doanh nghiệp tự xây dựng và quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, nếu xem SGK như loại hàng hóa phổ thông, người tiêu dùng là phụ huynh và học sinh trở thành đối tượng bị ném vào mê hồn trận. Bởi lẽ, không quan chức giáo dục nào đám cam đoan không có tình trạng “lợi ích nhóm” trong việc biên soạn và phát hành SGK. Cho nên, Bộ GD-ĐT đang có nỗ lực khá mơ hồ là đề nghị các NXB kê khai giá, rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách, hỗ trợ sách cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học...
SGK không còn là sản phẩm độc quyền của NXB Giáo dục, nên những đơn vị làm SGK mở cuộc chạy đua để thu hút khách hàng là các cơ sở giáo dục. Cơ chế kê khai giá dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý hoang mang cho phụ huynh và học sinh, trong khi SGK lại là vật tư giáo dục thiết yếu rất cần bình ổn. Tại sao SGK không được Bộ Tài chính đưa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa, là băn khoăn của cộng đồng.
Làm sao để SGK không phải cơ hội vàng để “móc túi” phụ huynh học sinh mỗi năm học. Vì sao lại bán kèm sách tham khảo vào SGK? Trước hết, Bộ GD-ĐT cần rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số SGK bắt buộc, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ: “Hiện nay số lượng đầu SGK cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều. Trong đó, có những cuốn mang tính chất sách tham khảo. Nhưng do không có sự hướng dẫn nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không rõ sẽ phải lựa chọn đầu sách nào”. Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh: “Sách tham khảo là nguồn lợi rất lớn cho NXB. Các nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra sách tham khảo trên chỉ dùng cho thầy cô giáo để làm phong phú thêm bài giảng còn học sinh tiểu học không cần. Vì thế nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường dưới mọi hình thức”.
Nói cho cùng, SGK là công cụ truyền đạt những kiến thức cơ bản cho giai đoạn khởi đầu của công dân. SGK không thể thay đổi liên tục như kiểu thời trang. Cần có bộ sách chuẩn mực để dạy và học trong nhà trường. Khi cần thiết phải tu chỉnh, thí dụ tình hình thế giới có sự xáo trộn địa chính trị hoặc nhân loại có phát minh khoa học mới liên quan đến nội dung SGK, thì tổ chức tập huấn cho giáo viên để bổ sung vào chương trình trên bục giảng. SGK mỗi trường một kiểu, mỗi xã một kiểu, mỗi huyện một kiểu, nền tảng giáo dục sẽ rất mông lung.
Giá bán SGK là vấn đề đáng âu lo, nhưng chất lượng giáo dục còn đáng âu lo hơn. Chỉ môn Lịch sử cũng ồn ào 2 hình thức “bắt buộc” hoặc “chọn lựa”, chứng tỏ mong muốn cải tiến SGK của ngành giáo dục đang đối mặt không ít bất cập. Cần có thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về SGK để điều tiết những phương pháp biên soạn cụ thể và hiệu quả hơn.
Đồng thời, nếu các đơn vị tham gia xã hội hóa SGK vẫn đinh ninh sứ mệnh chấn hưng giáo dục nước nhà, thì thay vì hào hứng tổ chức “hội nghị khách hàng” khắp nơi, nên cung cấp bản sách PDF miễn phí để thuận lợi cho học sinh trong thời đại internet đã phủ sóng mọi hang cùng ngõ hẻm.