Sách viết về doanh nhân phổ biến vài năm gần đây chủ yếu là tập hợp những bài viết nhỏ lẻ, chia sẻ những bí quyết thành công, hoặc những kinh nghiệm làm giàu, như “Dành tặng doanh nhân trong thế trận toàn cầu” của Alan Phan, “Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam” của Nguyễn Xuân Xanh, “Giữa dòng xoáy cuộc đời” của Phan Thế Hải, “Những người làm chủ số 1 Việt Nam” của Đàm Linh… Cá biệt có cuốn “Liên - Người được chọn” của nhóm tác giả Y Ban, Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy, viết về “nữ hoàng bảo hiểm” Đỗ Thị Kim Liên, nổi tiếng với danh xưng Shark Liên trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ” trên sóng truyền hình.
Sách do doanh nhân viết đa dạng và phong phú hơn. Tiêu biểu như “Bầu trời không chỉ có màu xanh” của Lý Quý Trung từng là hiện tượng khởi nghiệp với thương hiệu “Phở 24”, “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” của Phan Minh Thông - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, “Gian truân chỉ là thử thách” của Hồ Văn Trung - Chủ tịch Tập đoàn Trangs, “Tình yêu Gia đình Sự nghiệp” của Nguyễn Thị Sơn - Người sáng lập Tập đoàn Sơn Kim, “Tôi, dòng sông và những cánh đồng” của Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, “Chuyện nhà Dr Thanh” của Trần Uyên Phương - ái nữ Tập đoàn Tân Hiệp Phát...
Cuốn sách “Liên - Người được chọn”.
Những tác phẩm trên cùng vài công trình nghiên cứu như “Doanh nhân Việt Nam trong lịch sử” do Trần Thuận chủ biên, góp phần vun đắp tinh thần sống tích cực và lan truyền cảm hứng làm giàu cho người đọc, như thổ lộ của doanh nhân Lý Quý Trung: “Những trải nghiệm và ký ức nếu có duyên sẽ trở thành những kiến thức và kỹ năng, giúp các bạn trẻ yêu thích ngành kinh doanh nhà hàng rút ngắn con đường đi đến thành công”. Tuy nhiên, những tác phẩm ấy vẫn còn khoảng cách khá xa so với tác phẩm văn chương đích thực. Vậy câu hỏi đặt ra, đi tìm hình ảnh doanh nhân Việt trong văn chương có phải là cuộc lặn lội mò kim đáy biển?
Thực tế, cũng đã có vài tiểu thuyết viết về doanh nhân xuất hiện và tạo được tiếng vang trong đời sống, được độc giả đón nhận. Nhưng tiểu thuyết lấy doanh nhân làm nhân vật chính vẫn giống như phép thử đối với người viết. Như chính một số tác giả viết về đề tài này thừa nhận: “Cuốn sách mình viết nhọc nhằn nhưng chưa chắc đã hay, bởi đây là đề tài hóc hiểm mình chưa thực sự am tường”. Cũng chính vì không có mấy nhà văn lăn lộn trong thương trường hoặc am tường lĩnh vực kinh tế, nên tiểu thuyết viết về doanh nhân khá ít ỏi. Hiếm hoi lắm, đầu năm 2022 mới có bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian” 4 tập, 2.000 trang của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Hưng. Thực tế nóng bỏng của đời sống dưới áp lực đồng tiền, hiển thị qua tiểu thuyết “Cõi nhân gian”, gợi ra nhiều suy tư về sự cạnh tranh, sự tinh ranh lẫn sự phản trắc doanh nhân phải đối diện mỗi ngày.
Tự truyện của doanh nhân Nguyễn Hồng Lam.
Không thể phủ nhận, sách viết về doanh nhân và sách do doanh nhân viết, đang là mảng đề tài sôi động trên thị trường sách. Độc giả được hiểu thêm về giới doanh nhân, như cách Chủ tịch Tập đoàn Trangs, Hồ Văn Trung, chia sẻ: “Tôi tin rằng cuộc đời có 2 chữ “số phận” và “cơ hội”. Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí. Đừng bao giờ buông xuôi. Đừng bao giờ tuyệt vọng. Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho mình”.
Thậm chí, độc giả cũng dần dần xóa bỏ quan niệm “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú” (Ham làm giàu thì không có lòng nhân, ham làm việc nhân thì không giàu), qua bộc bạch của Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm, Nguyễn Hồng Lam: “Đừng nghĩ doanh nhân suốt ngày tính tính toán toán theo kinh doanh buôn bán lời lỗ mà tâm hồn xơ cứng khô khan với những con số. Chúng tôi cũng là con người, cũng yếu mềm, cũng cần thư thái bay bổng. Vấn đề là tự mỗi người phải biết dành thời gian để hun đúc cho tâm hồn mình ngày càng thêm giàu có. Tiền từ công sức, trí tuệ của mình rất quý nhưng tiền không phải là tất cả”.
Thế nhưng, vì sao sách doanh nhân Việt không thuyết phục bằng sách doanh nhân nước ngoài, như những cuốn viết về Steve Jobs, Bill Gates hay Lý Gia Thành? Câu trả lời rất đơn giản, điểm yếu không phải ở tầm vóc nhân vật mà nằm ở yếu tố chân thực. Không nhiều doanh nhân đủ độ mẫn tiệp như người sáng lập Tập đoàn Sơn Kim Nguyễn Thị Sơn, mạnh dạn rào đón cho tự truyện của mình: “Thời gian của các câu chuyện chỉ là tương đối, có câu chuyện tôi ghi chép rất chính xác vì tôi còn lưu giữ những hình ảnh, nhưng cũng có câu chuyện chỉ là ước đoán thời gian theo trí nhớ. Hơn nữa tôi không phải là nhà văn nên không có khả năng thêm thắt hư cấu tả tình tả cảnh được. Tự truyện của tôi viết theo giọng kể chuyện hơn là viết tác phẩm văn học”.
Doanh nhân tự viết sách có tâm lý “xấu che”, cố tình bỏ qua những tình huống hoặc những sự kiện họ cảm thấy có thể ảnh hưởng đến hình tượng cá nhân hoặc quan hệ đối tác thương mại. Tác giả viết về doanh nhân có tâm lý của kẻ làm thuê, nhân vật thích thế nào cứ viết thế đấy, không có sự thẩm định dữ liệu và phản biện chi tiết. Cho nên, hầu hết cuốn sách liên quan đến doanh nhân Việt được thiết lập theo tiêu chí “người tốt, việc tốt” mà không theo tiêu chuẩn “người thật, việc thật”.
Để thể hiện bản lĩnh doanh nhân Việt thời hội nhập, sách viết về doanh nhân và sách do doanh nhân viết, phải là sách trắng về tâm tư doanh nhân Việt. Đó phải là chân dung doanh nhân trong tổng thể những tác động của đạo đức và triết lý kinh doanh lẫn văn hóa kinh doanh. Muốn nâng cao phẩm chất dòng sách liên quan đến doanh nhân, có lẽ phải phát huy văn học ứng dụng. Bên cạnh những tiểu thuyết đề cao tính sáng tạo mà những thành bại vui buồn của doanh nhân phải được soi chiếu hoàn toàn bằng góc nhìn nhà văn, rất cần sự hình thành đội ngũ tác giả chuyên viết tiểu sử doanh nhân, có kiến thức chuyên môn và có bút pháp ấn tượng.