Nhiều nơi miền núi phía Bắc 4 mùa đều có những nét đẹp riêng của thiên nhiên và cuộc sống. Những người yêu thích khám phá vùng cao chắc đã quen thuộc với việc đi săn mây, ngắm mùa lúa chín, săn hoa rừng nở… Đến giữa đông, một vài điểm miền núi phía Bắc còn trở thành thiên đường săn băng tuyết mà không cần xuất ngoại.
Mùa đông nay dự báo có nền nhiệt độ thấp, lạnh hơn năm trước, xuất hiện nhiều đợt rét có băng tuyết. Chúng tôi giới thiệu vài điểm săn băng tuyết ấn tượng nhất ở vùng cao phía Bắc cho những ai có chung niềm đam mê.
Mẫu Sơn - Lạng Sơn
Mẫu Sơn - Lạng Sơn
Mẫu Sơn (núi mẹ) là núi có đỉnh cao nhất tỉnh Lạng Sơn, 1.541m so với mực nước biển. Dãy núi nằm trên đường vành đai biên giới Việt-Trung thuộc địa phận 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Hơn 100 năm trước do có khí hậu mát mẻ kể cả mùa hè, Mẫu Sơn đã được người Pháp khai phá làm đường đi lên. Dọc cung đường từ lưng chừng núi lên tới đỉnh, người Pháp đã xây những biệt thự nghỉ dưỡng kiên cố bằng đá, bê tông cốt thép. Hiện nay, một số khu biệt thự kiểu Pháp cổ vẫn còn tồn tại ở đây.
Đỉnh Mẫu Sơn nằm cách Hà Nội khoảng 200km theo hướng cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn. Theo kinh nghiệm của những người hay săn băng tuyết, những năm gần đây hầu như mùa đông nào Mẫu Sơn cũng xuất hiện một vài đợt băng tuyết. Thường khi nhiệt độ ở vùng đồng bằng xuống dưới 10oC là lúc đỉnh Mẫu Sơn xuống đến 0oC, thậm chí âm độ, sẽ xuất hiện tuyết rơi, băng đóng trên cành lá. Ở xung quanh đỉnh Mẫu Sơn có những đồi cỏ lau. Khi thời tiết giá rét khu vực cỏ lau sẽ biến thành vườn cây băng đá long lanh, đẹp mắt. Băng còn đọng thành mảng trên các các bức tường, lối đi ở những khu biệt thự cổ, tạo cảnh tượng lạ lẫm. Ở những đợt rét đậm, cung đường lên đỉnh Mẫu Sơn ngập trắng tuyết. Những cánh rừng, bản làng của người Dao Đỏ, Tày, Nùng… ven núi biến thành xứ sở tuyết độc đáo.
Thường vào giữa đông, từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch, sẽ xuất hiện nhiều băng tuyết. Đường lên đỉnh Mẫu Sơn trải nhựa khá dễ đi cho cả ô tô và xe máy. Du khách có thể đi trong ngày nếu xuất phát từ Hà Nội. Ở đây có rất nhiều homestay, khách sạn từ bình dân đến cao cấp cho khách nghỉ qua đêm. Đến Mẫu Sơn mùa đông ngắm tuyết, bạn nên trải nghiệm bài tắm lá thuốc của người Dao Đỏ tốt cho sức khỏe.
Phia Oắc - Cao Bằng
Phia Oắc - Cao Bằng
Vườn Quốc gia Phia Đen - Phia Oắc nằm ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là điểm đến khá mới với khách du lịch. Ở đây có đỉnh Phia Oắc cao 1.935m, đứng thứ 2 ở Cao Bằng sau đỉnh Phia Dạ 1.987m. Theo anh Hà Cương, một người quay phim, chụp ảnh, làm youtube du lịch chuyên nghiệp ở Cao Bằng, ở Phia Oắc vào mùa đông thường xuyên xuất hiện băng giá. Những cánh rừng nguyên sinh ở Phia Oắc lúc băng xuất hiện sẽ tạo cảnh tượng vô cùng đặc sắc. Cây đại thụ bỗng biến thành cây băng khổng lồ chuyển từ màu xanh thành trắng. Thỉnh thoảng xuất hiện tuyết rơi những khi trời cực giá rét. Theo dự báo mùa đông năm nay có nền nhiệt độ thấp hơn có thể xuất hiện tuyết lại rơi ở đỉnh Phia Oắc. Vì vậy để săn băng tuyết tại đây, du khách phải theo dõi dự báo thời tiết ở địa phương, có thể kết nối với các nhóm du lịch Cao Bằng trên mạng xã hội để tìm hiểu thông tin trước khi đi.
Nằm cách Hà Nội 260km, du khách dễ dàng di chuyển đến Phia Đen - Phia Oắc qua Quốc lộ 3 và Đường 279. Lên đỉnh Phia Oắc, du khách cũng bắt gặp một số khu biệt thự của người Pháp xây từ thế cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên những biệt thự này hiện trong tình trạng phế tích, bỏ hoang, rêu cỏ mọc um tùm. Khác với Mẫu Sơn sầm uất, đỉnh Phia Oắc hoang sơ, không có homestay, nhà nghỉ, quán ăn. Nếu có nhu cầu ăn, nghỉ qua đêm ngắm băng tuyết, du khách nên đến khu du lịch sinh thái Kolia nằm tại Phia Đen cách đó hơn 10km.
Sapa, Y Tý - Lào Cai
Sapa, Y Tý - Lào Cai
Nói đến thiên đường băng tuyết vùng núi cao phía Bắc chắc chắn Sapa (Lào Cai) sẽ đứng ở vị trí quán quân. Gần đây hầu như mùa đông nào Sapa cũng có một vài đợt tuyết rơi. Còn hiện tượng băng giá luôn luôn xuất hiện mỗi khi mùa đông đến. Cách Hà Nội 330km du khách di chuyển trên đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai hoặc các chuyến tàu hỏa xuất phát suốt ngày đêm. Do Sapa là điểm du lịch nổi tiếng từ lâu nên việc di chuyển cá nhân hay đi tour đều vô cùng dễ dàng.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tới Sapa ngắm băng tuyết mọi người nên tìm đến những điểm như: cung đường đèo Ô Quy Hồ nối từ Sapa sang Tam Đường (Lai Châu); khu vực Thác Bạc, Cổng Trời, vùng núi Hoàng Liên Sơn. Có năm du khách chỉ cần đi dọc các tuyến đường quanh Sapa đã bắt gặp tuyết rơi trắng xóa. Nhiều người còn có thể nghịch tuyết, nặn người tuyết, đắp gấu tuyết… Đặc biệt hiện nay đã có cáp treo dễ dàng lên đỉnh Fansipan (cao 3.143m), đây là khu vực băng tuyết xuất hiện nhiều nhất ở Sapa mỗi khi có rét đậm.
Du khách cũng có thể tới một số bản làng của người Mông, người Giáy ở Sapa để cảm nhận vẻ đẹp mùa đông. Nhâm nhi chén trà shan tuyết nóng hổi, ăn cái ngô hay quả trứng nướng… ngồi trò chuyện bên bếp lửa bập bùng sẽ cho ta cảm giác ấm cúng, thi vị.
Cũng ở Lào Cai, vài năm nay xã vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát) cũng trở thành thiên đường du lịch, săn băng tuyết mới của du khách. Anh Ly Xá Xuy, một chủ homestay ở đây cho biết, mùa đông các năm 2016, 2018 ở Y Tý xuất hiện nhiều đợt băng và tuyết rơi rất đẹp. Các bản làng của người Hà Nhì ở Y Tý với những mái nhà trình tường được phủ màu trắng xóa. Cảnh tượng tuyết rơi khiến Y Tý được ví như “ngôi làng châu Âu giữa miền Tây Bắc”.
Nằm cách Hà Nội 360km, để đến được Y Tý vào mùa đông ngắm tuyết, săn băng, du khách đi theo cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Từ TP Lào Cai tiếp tục ngược theo cung đường ven sông Hồng đến cửa khẩu Bản Vược để qua Tỉnh lộ 158 lên Y Tý. Hiện nay ở Y Tý đã có một số điểm phục vụ du khách tới tham quan, ăn nghỉ như: Y Tý Clouds, homestay A Hờ, homestay Thảo nguyên xanh, homestay Đại ngàn, coffee Hùng Mõ, Nhà hàng Hoa Hồng… Giá dịch vụ khá bình dân, không đắt đỏ. Du khách có thể tìm số điện thoại của các homestay ở Y Tý trên facebook, google map… để hỏi trước tình hình băng tuyết để xuất phát.
Tà Xùa - Sơn La
Khi thực hiện bài viết này, người bạn hay đi phượt của tôi đã chia sẻ thêm một điểm săn băng tuyết thú vị khác, đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La). Vào khoảng giữa đến cuối đông, các đợt giá rét ùa về các xã vùng cao Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng… Du khách có thể bắt gặp cả một quả đồi với những cây đã đóng băng đá mang vẻ đẹp kỳ diệu. Nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, nên vào năm có mùa đông nhiều đợt rét đậm ở Tà Xùa sẽ có hiện tượng tuyết rơi. Bông tuyết rơi bám trên cây cối ở các mỏm núi cao biến thành cảnh tượng đẹp lạ mắt.
Nằm cách Hà Nội khoảng 210km theo hướng Quốc lộ 32 và 37, hiện chưa có các tour du lịch chuyên nghiệp lên Tà Xùa. Việc di chuyển đến Tà Xùa tham quan, ngắm băng tuyết chủ yếu vẫn đi phượt cá nhân hoặc theo nhóm, gia đình… Ở xã Tà Xùa và vùng lân cận hiện nay đã có một số homestay nhỏ để phục vụ du khách ăn, nghỉ qua đêm.
Ngoài những nơi thường xuyên có băng tuyết trên, một số điểm khác như Mèo Vạc (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La), Tam Đường (Lai Châu)… cũng có thể xuất hiện các đợt rét đóng băng đẹp.
Ngoài những nơi thường xuyên có băng tuyết trên, một số điểm khác như Mèo Vạc (Hà Giang), Mộc Châu (Sơn La), Tam Đường (Lai Châu)… cũng có thể xuất hiện các đợt rét đóng băng đẹp.
Vài lưu ý khi đi săn băng tuyết - Thời điểm xuất hiện băng tuyết trong khoảng thời gian nửa cuối mùa đông (từ tháng 12 đến tháng 2 Dương lịch). - Thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết ở các địa phương và thông tin do người bản địa đưa lên các trang mạng xã hội. - Ghi nhớ các nơi có thể xuất hiện băng tuyết và lựa chọn điểm đến phù hợp. - Do sự chênh lệch nhiệt độ giữa đồng bằng và vùng núi, giữa ngày và đêm rất lớn nên du khách dễ bị sốc nhiệt. Để phòng tránh cần trang bị quần áo ấm, loại chống thấm nước, cản gió, mũ, khẩu trang, bịt tai, giày chống trơn. - Do nơi xuất hiện băng tuyết độ ẩm lớn nên cần có túi, hộp chuyên dụng để bảo quản đồ điện tử máy ảnh, điện thoại. - Di chuyển bằng phương tiện cá nhân cần chú ý sử dụng lốp loại chống trơn trượt, kiểm tra hệ thống phanh an toàn, có thể mang theo xăng dự phòng. |