Những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nhức nhối. Dù chưa phải dịp cao điểm lễ, Tết nhưng dòng người vẫn ken đặc xếp hàng làm thủ tục.
Mặc dù sau đó, tình hình đã cải thiện khi các đơn vị liên quan áp dụng một số giải pháp tháo gỡ, nhưng những gì đã diễn ra khiến cơ quan quản lý, người có trách nhiệm cần xem xét, coi đây là bài học về quản lý và có phương án cụ thể để xử lý.
Hạ tầng “chắp vá”, khai thác vượt công suất
Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc ùn ứ tại khu vực soi chiếu an ninh Tân Sơn Nhất mấy ngày trước đây có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất nhỏ, quá tải, mặt bằng khu vực soi chiếu an ninh nhỏ và không thể lắp thêm số cửa soi chiếu.
Nguyên nhân thứ 2 khiến soi chiếu an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất ùn ứ mấy ngày qua là khách đông đột biến và nhiều người tới nơi mới khai báo y tế.
Cụ thể, mấy hôm vừa rồi khách đi máy bay nội địa tăng đột biến lên tới 80.000 khách/ngày, cao hơn 30% so với cùng kỳ những năm trước, kể cả những năm chưa xảy ra đại dịch COVID-19. Lượng khách đi nội địa gần bằng tổng lượng khách bay quốc tế lẫn nội địa so với cùng kỳ nhưng chỉ làm thủ tục tại nhà ga nội địa.
“Hầu hết khách đi máy bay nội địa chủ yếu tập trung vào đầu giờ buổi sáng khiến khu vực soi chiếu an ninh ga nội địa Tân Sơn Nhất thêm quá tải. Nhiều hành khách đến sân bay mới khai báo y tế dù Cục Hàng không đã thông báo rộng rãi quy định khai báo y tế trước khi đến sân bay của nhà chức trách và của các hãng bay. Việ này làm ùn ứ dây chuyền dẫn đến ùn tắc”, ông Thắng cho hay.
Nhưng, nguyên nhân chính theo ông Đinh Việt Thắng đó là: “Nguyên nhân sâu xa là ga quốc nội Tân Sơn Nhất quá tải từ rất lâu. Cảng chỉ có một cao trình (khách đi, khách đến cùng một tầng), lại phải cơi nới nhiều lần”.
CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm (trong đó, ga nội địa 15 triệu khách, ga quốc tế 10 triệu khách).
Tuy nhiên, do nhu cầu tăng, sân bay này đang phải khai thác quá tải công suất thiết kế từ năm 2016 đến nay. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải nhà ga hành khách, đặc biệt là trong các giờ cao điểm.
Cụ thể, năm 2016, sản lượng thông qua sân bay này đạt gần 32,2 triệu hành khách. Riêng khách nội địa đạt 20,37 triệu lượt, quá tải hơn 5 triệu lượt khách; năm 2017, sản lượng khách tiếp tục tăng lên 36 triệu lượt, trong đó hơn 22,3 triệu khách nội địa.
Trong hai năm 2018, 2019, số liệu tương ứng là 38,3 triệu khách và 41,2 triệu lượt khách qua cảng, riêng khách nội địa tương ứng là 23,41 triệu khách và 25,6 triệu khách. Mức tăng trưởng này chỉ giảm trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng: “Muốn xử lý triệt để, tận gốc tình trạng ùn tắc tại Tân Sơn Nhất, phải đẩy nhanh xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất”.
Vì sao sân bay Tân Sơn Nhất quá tải?
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM- Bộ GTVT) đã có những phân tích chi tiết về nguyên nhân của tình trạng quá tải từ trên trời cho đến đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga và sân đỗ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
VATM chỉ rõ sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường băng song song xây dựng năm 1967. Tuy nhiên, 2 đường băng này lại được sử dụng theo chế độ khai thác phụ thuộc vào nhau, được coi gần như là một đường cất hạ cánh trong công tác điều hành bay.
“Sân bay Tân Sơn Nhất có cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ không còn phù hợp, gây nên tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn. Lý do là khoảng cách giữa trục tim hai đường băng không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác cất hạ cánh độc lập theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)”, đại diện VATM phân tích.
Hơn nữa, chế độ khai thác hai đường cất hạ cánh phụ thuộc vào nhau chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng thời điểm.
Trải qua nhiều đợt nâng cấp, mở rộng nhưng tính theo diện tích thì sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với trước. Điều này là kết quả của quá trình đô thị hóa.
Nguyên nhân tiếp theo khiến tình trạng quá tải của Tân Sơn Nhất ngày càng trầm trọng là cấu trúc của hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Phần lớn các bến đỗ nằm sát nhau theo dạng xương cá về hai bên của đường lăn và các đường lăn chính chủ yếu là đường lăn độc đạo khiến việc di chuyển, lăn ra, vào của máy bay từ nhà ga, sân đỗ ra đường cất hạ cánh và ngược lại gặp khó khăn.
Hình thức bố trí bến đỗ và đường lăn này dẫn đến việc cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu chỉ có thể cho phép duy nhất một luồng các máy bay đẩy lùi, lăn di chuyển từ bến đỗ ra đường cất hạ cánh cùng lúc để khởi hành. Hoặc ngược lại trong cùng thời điểm, luồng máy bay đi ngược chiều sẽ phải dừng chờ tại các ngã ba, ngã tư giữa các đường lăn.
Đồng thời trường hợp máy bay chuẩn bị khởi hành từ các bến đỗ cũng có thể phải chờ tạm thời để các máy bay khác hoàn thành việc lăn ra, vào trên các đường lăn phía sau.
Ngoài ra, các đường lăn thoát ly cho máy bay hạ cánh được thiết kế trước năm 1975 hiện không còn phù hợp với các loại máy bay mới có kích thước và tải trọng lớn hơn nhiều so với các loại máy bay khai thác trước đó.
Khẩn cấp xây nhà ga T3 để giảm quá tải Tân Sơn Nhất
Phó tổng Giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết, đơn vị này đang nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10 năm nay.
Cụ thể, theo ông Bình, do tính cấp bách của dự án và thời gian thực hiện rất ngắn nên ngay sau khi có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (tháng 5/2020), ACV đã tích cực chuẩn bị đầu tư dự án. Sau khi đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật, đến nay báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để khởi công dự án vào tháng 10 năm nay. Việc đầu tư xây dựng sẽ hoàn tất sau 24 tháng. Việc hoàn thành xây dựng dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho TP HCM và các tỉnh phía Nam”, ông Bình nói.
Nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất. Nhà ga T3 sẽ góp phần giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Cũng theo ông Bình, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn chỉ là câu chuyện bàn giao đất.
“Hiện Bộ Quốc phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,05ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP HCM với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3 và đưa diện tích đất trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP HCM”, ông Bình cho biết.