Theo thiết kế, có 2 sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch được triển khai tại đây. Chương trình ngắn, thời lượng chỉ khoảng 30 phút, và dài là hơn một giờ được tổng hợp từ các tiết mục do các nhà hát: Chèo Việt Nam, Tuồng Việt Nam, Ca múa nhạc Việt Nam đảm trách. Kỳ vọng của các nhà tổ chức khi ấy là sẽ tạo ra được một sản phẩm văn hóa du lịch mang bản sắc Việt, với các chương trình biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch khi đến Hà Nội.
Tại đó, các nghệ sĩ vừa được làm nghề vừa có thêm thu nhập, mà ngành du lịch cũng có thêm sản phẩm trải nghiệm dành cho du khách. Sau những hăm hở ban đầu, mọi việc lại nhùng nhằng bởi sản phẩm làm chưa tới, các công ty lữ hành không mặn mà và dự án cũng vì vậy mà trôi dần đi.
Sau hai năm dịch Covid-19, khi sân khấu bắt đầu kích hoạt trở lại, du lịch nội địa có nhiều dấu hiệu khởi sắc thì người làm nghệ thuật lại quay về tìm kiếm cơ hội từ du khách. Sau những giãi bày thiếu cơ sở vật chất, thiếu vị trí đắc địa, thiếu sự nhiệt tình kết nối của các doanh nghiệp lữ hành thì phần lớn lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều nhìn ra cái thiếu lớn nhất chính là thiếu sản phẩm phù hợp. Các nhà hát mới chỉ đưa ra tiết mục, chương trình cũ, đón khách bằng những “món” có sẵn mà không tìm hiểu, đầu tư sáng tạo những sản phẩm dành riêng cho du lịch.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, khi du khách đến đây, ít người bỏ qua show diễn Nanta Cooking hay The Queen’s Banquet, Jump Show… bởi họ vừa được thư giãn, vừa có cơ hội tìm hiểu, khám phá thêm văn hóa bản địa. Đây đều là những show diễn có nội dung đơn giản, thậm chí không lời thoại, sân khấu bài trí không thật cầu kỳ, hiện đại nhưng nghệ sĩ lại luyện tập công phu, có tiết tấu, sôi động mà hài hước chứ không chỉ là văn hóa đỉnh cao, “tinh hoa”.
Lúc này đây, nếu các đơn vị nghệ thuật chưa bỏ sức tìm kiếm, mạnh dạn đầu tư cho được một kịch bản tốt, một sản phẩm phù hợp với du khách thì dù có chủ trương, dù có hỗ trợ từ đơn vị quản lý thì việc đưa du lịch vào làm đòn bẩy hỗ trợ văn hóa vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.