Để tạo uy tín và bán hàng rõ nguồn gốc, nhiều tiểu thương nhỏ lẻ, chủ cửa hàng nước ép ở TP HCM đã về tận nhà vườn miền Tây, Ninh Thuận để thu mua trái cây ngon.Người trồng nho Ninh Thuận thua lỗ vì hàng Trung Quốc
Anh Hòa, tiểu thương chợ Văn Thánh cho biết, trước đây chỉ mua hàng từ thương lái tại chợ đầu mối nên cũng khó phân biệt hàng nào đạt chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, hơn tháng nay, anh bắt đầu chọn cách lấy trái cây tại nhà vườn để bán.
“Để có được mối hàng tốt, tôi đến tận các vườn tham quan. Sau đó, tùy theo nhu cầu và sức mua tại chợ mà đặt với số lượng vừa đủ. Mỗi ngày tôi bán khoảng gần một tạ trái cây, giá cao hơn các sản phẩm mà thương lái lấy tại chợ đầu mối khoảng 10%”, anh Hòa nói và cho biết, hai tuần gần đây anh chủ yếu bán nho đỏ và táo Ninh Thuận. Riêng với nho đỏ, anh chỉ lấy loại một với giá 25.000 đồng. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, anh bán giá 40.000 đồng một kg.
Cũng để đảm bảo sản phẩm rõ nguồn gốc, Nguyễn Thanh Nam, chủ quán nước ép trái cây tươi đường Huỳnh Khương Ninh (quận 1) chọn cách tới tận vườn để mua trái cây.
Nam cho biết, mỗi tuần cửa hàng lấy hàng 2 lần vào đầu và cuối tuần. Toàn bộ trái cây được hái tại các vườn ở miền Tây. Để có hàng ngon, cửa hàng cử 2 người xuống tận vườn thị sát, chụp ảnh để quảng bá cho người tiêu dùng biết. Sau đó thỏa thuận với nhà vườn để mua theo số lượng đặt hàng và hái theo yêu cầu của mình.
“Để đảm bảo uy tín, tiêu chí của chúng tôi là chỉ lấy hàng loại một. Chẳng hạn như nho xanh mua tại vườn khoảng 70.000 đồng một kg, sau khi trừ chi phí vận chuyển tôi bán ra với giá 85.000 đồng”, Nam chia sẻ.
Chủ cửa hàng này cũng cho rằng, vì là sản phẩm loại một, lấy theo số lượng đặt hàng chứ không thu mua hàng loạt nên giá cao hơn chợ và siêu thị 10 - 15%. Thế nhưng, lượng khách đặt hàng cũng khá cao, đa phần là nhân viên văn phòng, người có thu nhập tốt.
“Lợi thế của kiểu kinh doanh này là hàng rõ nguồn gốc, nông dân bán được giá cao. Ngoài ra, đơn đặt hàng được đặt từ trước đó nên không sợ tồn kho. Giá cả sản phẩm được công bố minh bạch, 'thuận mua vừa bán'”, Nam nói.
Chọn phương thức kinh doanh trái cây lấy tại vườn được 3 năm nay, anh Phước ở quận 11 (TP HCM) cho biết, thông thường cứ đến gần cuối tuần là anh chốt số lượng khách đặt hàng. Sau đó, cho người nhà ở quê đến tận vườn lấy hàng và vận chuyển lên TP HCM. Tuần nào khách đặt ít thì 1-2 tạ, cao nhất lên tới gần nửa tấn. Lợi nhuận kinh doanh mặt hàng này chiếm 20-30% trên tổng doanh thu.
Tuy nhiên, theo anh Phước, trái cây là mặt hàng hay hư hỏng, nếu vận chuyển xa rất dễ bị lỗ, đặc biệt là những sản phẩm khó bảo quản như: nho, bơ…
“Có thời điểm khách Hà Nội thấy hàng ngon đặt rất nhiều, nhưng khi vận chuyển tới nơi thì hỏng gần một nửa khiến chúng tôi bị lỗ. Cho nên, khó khăn nhất của kiểu kinh doanh này là phương thức vận chuyển và giao hàng”, anh Phước nói.
Cũng thừa nhận khó khăn trong khâu vận chuyển, Nam cho biết, ngoài việc hàng bị dập thì giá cước vận chuyển khá cao. Nếu không biết cân đối sẽ rất khó có giá tốt cho khách hàng.
Hiện nay, bên cạnh việc săn trái cây ngon theo mùa, chủ yếu là cam, xoài, nho, quýt đường... thì nhiều thương lái, cửa hàng còn đến các vườn rau sạch để thu gom, thậm chí là lên tận các tỉnh Tây Nguyên để săn rau rừng đêm về Sài Gòn bán.