Thời gian qua, quy định về ghi nhãn hàng hóa đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng và các doanh nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và duy trì một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quy định này còn tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa của mỗi doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam". Chính vì thế, việc đưa ra chuẩn mực để giúp doanh nghiệp có thể đối chiếu để đánh giá hàm lượng, quy trình sản xuất sản phẩm có thể được dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết.
Hơn thế nữa, thời gian gần đây có nhiều loại sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ghép, gia công nhưng lại ghi nhãn là hàng “Made in Vietnam” khiến dư luận phản ứng gay gắt.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam đã mang tính quốc gia, chất lượng tăng lên và dần có thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nên dẫn tới tình trạng hàng hoá “đội lốt” hàng Việt Nam. Do đó, Thông tư không chỉ liên quan đến việc dán nhãn "Made in Vietnam" mà còn quan trọng hơn là xác định thế nào là hàng hoá của Việt Nam.
“Dự thảo sẽ là cơ sở để tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho những DN dày công nghiên cứu, sáng tạo, gây dựng thương hiệu. Trong khi lại có những DN chỉ nhập khẩu hàng hoá, linh kiện nước ngoài về gia công, lắp ráp rồi gắn nhãn”, ông Hải nhấn mạnh.
Góp ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, ông Chu Đình Hoàng, Công ty CP Devyt (DN thuộc Hiệp hội giấy Việt Nam) thắc mắc, theo quy định của dự thảo Thông tư, đối với sản phẩm sản xuất trong nước, doanh nghiệp rất cần có đầu 1 mối đứng ra xác định sản phẩm đó có hay không phải bắt buộc phải cấp chứng nhận xuất xứ Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
“Trong thông tư có quy định, nếu sản phẩm chưa rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gửi văn bản lên Bộ Công Thương hoặc trình lên VCCI để xác minh. Thủ tục này rất có thể làm mất đi cơ hội đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, khi sản phẩm chưa ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa, hoặc chưa dám khẳng định sản phẩm sản xuất tại Việt Nam theo quy định sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ”, ông Hoàng băn khoăn.
Thắc mắc về quy định hàm lượng giá trị gia tăng chiếm trên 30% đối với sản phẩm nhập khẩu được coi là hàng hóa Việt Nam, khi đối chiếu với mặt hàng sữa, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, nếu coi sản phẩm sữa tươi thu được trên lãnh thổ Việt Nam mới được coi là sữa Việt Nam sẽ là rất bất cập.
Bởi đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em, dù nguyên liệu đầu vào là bột sữa vẫn phải nhập khẩu, nhưng công thức để tạo ra dòng sản phẩm sữa dinh dưỡng phù hợp với trẻ em Việt Nam sẽ phải phải thuê nhà nghiên cứu. Khi đó, hàm lượng chất xám của sản phẩm mặc dù rất cao nhưng hàm lượng nguyên liệu đầu vào lại không đạt tỷ lệ 30% mà chỉ đạt 10-20% sẽ khiến cho doanh nghiệp rất khó ghi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
“Nếu sản phẩm sản xuất trong nước nhưng lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu được nhập khẩu về, cùng với giá trị gia tăng tạo ra trên sản phẩm là 30%, doanh nghiệp có thể được ghi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam từ nguyên liệu của quốc gia khác được không? Trong khi hàm lượng chất xám đối với một sản phẩm thường rất khó đánh giá và nhận dạng cũng như chứng minh, nên trong quy định này nên tiếp cận vấn đề hướng đánh giá giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam đã được tính giá trị chất xám sẽ phù hợp hơn”, ông Trung đề xuất.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hàng thông tư mới sẽ giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc “gian lận xuất xứ”, tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cam kết sẽ bổ sung những quy định còn thiếu sót cũng như các ý tưởng mới trong cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thực tế. Bộ Công Thương tiếp thu và có những sửa đổi phù hợp. Với những vấn đề vượt quá phạm vi Thông tư, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi Thông tư ban hành.