Sản xuất sản phẩm sạch đang là xu hướng chung của các DN thực phẩm nhằm tạo thế đứng bền vững trên thương trường. Tuy nhiên, tham gia vào khu vực này DN gặp không ít khó khăn vì đầu tư vốn nhiều nhưng đầu ra vẫn chưa đảm bảo.
Đầu tư vốn lớn
Hiện nay vệ sinh an toàn là vấn đề nóng đối với các mặt hàng thực phẩm, khiến nhiều DN chịu sức ép phải đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh từ trang trại đến bàn ăn. Song, đây là một lĩnh vực cần số vốn khá lớn.
Công ty TNHH Ba Huân đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất trứng sạch theo công nghệ châu Âu cùng với nhà xưởng và phương tiện vận tải để phân phối hàng cho TPHCM và các tỉnh lân cận.
Công ty TNHH Thương mại Chế biến thực phẩm Phú An Sinh đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhà máy chế biến thịt của CTCP Chăn nuôi C.P. Việt Nam có số vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD.
Ngoài việc đầu tư vốn lớn vào dây chuyền sản xuất, các đơn vị chế biến thực phẩm còn phải chú trọng nhiều yếu tố khác. Đại diện Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh cho biết ngoài vốn bỏ ra cho cơ sở hạ tầng, các DN còn phải bố trí thêm các kỹ sư, kỹ thuật viên, bác sĩ thú y để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tiêm phòng dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại định kỳ.
Đồng thời, để tạo nguồn cung an toàn, công ty phải phát triển mạng lưới chăn nuôi vệ tinh bằng cách cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Vào tháng 10, CTCP Cao nguyên Đông Dương đã tổ chức lễ động thổ trang trại rau và thực phẩm sạch (trứng, thịt) trên diện tích 10.000m2 tại huyện Củ Chi, TPHCM.
Công ty TNHH Kỹ nghệ súc sản Vissan cũng đầu tư 150 triệu USD để xây cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan tại Long An với các nhà máy giết mổ, chế biến gia súc và hệ thống cấp đông, trữ đông hiện đại.
Cuộc đua sản xuất sản phẩm sạch cũng thu hút các DN nước ngoài, như Công ty TNHH Unitek Enterprise (Australia) đã đầu tư xây dựng nhà máy rộng 4.000m2 tại Khu công nghiệp Loteco Biên Hòa (Đồng Nai).
Unitek Enterprise cũng đang đầu tư chuỗi cửa hàng cung cấp sản phẩm thịt gà tươi, gà chế biến và khoảng 20 sản phẩm ăn liền từ gà có khẩu vị Á, Âu để phát triển thị phần. Sự tham gia của đông đảo DN vào lĩnh vực sản xuất sạch đang tạo ra một tín hiệu lạc quan đối với thị trường thực phẩm an toàn.
Đầu ra hạn hẹp
Tuy nhiên, dù tốn nhiều vốn đầu tư và được nhìn nhận là xu hướng phát triển đúng của thị trường, các sản phẩm sạch không phải lúc nào cũng được hoan nghênh.
Bà Nguyễn Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết sản phẩm sạch thường gặp khó khăn khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm giết mổ thủ công. Khi sản xuất theo tiêu chí vệ sinh thực phẩm, vốn đầu tư rất lớn, toàn bộ quy trình phải thực hiện theo tiêu chuẩn ISO nên giá phải cao hơn.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại có xu hướng “ham của rẻ” dù biết chúng không đảm bảo an toàn. Đó là một thực tế gây nhiều khó khăn cho DN.
Song song đó, nhiều DN than phiền về việc hỗ trợ phát triển đối với các DN chưa đồng bộ giữa các địa phương. Thí dụ, TPHCM đã hỗ trợ 50% lãi suất trên tổng số tiền Ba Huân vay đầu tư dây chuyền sản xuất sạch.
Trong khi đó, Công ty Phú An Sinh đang muốn bán 70% tài sản để trả nợ 35 tỷ đồng cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vì không được hỗ trợ của địa phương. Thực tiễn này khiến nhiều DN chùn tay khi muốn tham gia vào thị trường.
Khi đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngân hàng cam kết cho Phú An Sinh vay 27 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân 13 tỷ đồng và… chấm dứt.
Dây chuyền sản xuất trứng sạch Ba Huân. Ảnh: LÃ ANH |
ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh cho biết một nguyên nhân gây khó nữa là khi DN sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, lượng khách hàng giảm từ vài chục còn vài khách hàng do tâm lý e ngại đối với sản phẩm đóng gói và bảo quản trong thùng lạnh đúng quy định.
Chị Nguyễn Minh Nghi, người tiêu dùng ở quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ: “Những sản phẩm giết mổ thủ công bày bán trên thị trường thường được người tiêu dùng lựa chọn do màu sắc tươi ngon. Còn sản phẩm chế biến theo tiêu chuẩn sạch, đóng gói an toàn thường bị xem là sản phẩm đông lạnh, thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.
Các cửa hàng thực phẩm tươi sống thường có vị trí cách xa các khu chợ và cách thức bày bán khiến chúng tôi cũng ngần ngại vì sợ giá cao hơn so với các sản phẩm bày bán ở chợ”.
Khó cạnh tranh ở các chợ truyền thống khiến các DN không ít lần kêu cứu các cơ quan chức năng do phải chịu mức chiết khấu cao cho các tiểu thương. Một DN tham gia chế biến thực phẩm sạch tại TPHCM bức xúc: “TPHCM đã đưa ra quy định về sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh từ nhiều năm nay nhưng các cơ sở giết mổ lậu vẫn còn nhan nhản khắp nơi.
Trong khi đó, các DN sản xuất sạch phải di dời nhà máy ra các tỉnh, tốn kém chi phí vận chuyển để phân phối hàng hóa. Song song đó, tại các chợ, các loại thịt, trứng không nhãn mác, không có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng vẫn còn tồn tại nhưng việc thanh, kiểm tra rất ít và sơ sài.
Còn các DN thực hiện đúng quy trình, tiêu chuẩn lại thường xuyên bị kiểm tra, chỉ cần thực hiện sai quy trình sẽ bị xử phạt ngay. Vừa ít khách, vừa phải chịu chi phí sản xuất cao và phân phối giá rẻ, lại cộng thêm nhiều yếu tố gây khó đang khiến DN cảm thấy ngần ngại khi đầu tư sản phẩm sạch”.