Sản lượng bán ra tại nhiều cửa hàng của PVOil tăng mạnh trong thời gian vừa qua đã góp phần bình ổn thị trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhằm đảm bảo cung ứng đủ xăng, dầu để phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, đặc biệt là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án và giao các doanh nghiệp cùng các đơn vị liên quan sẵn sàng chủ động nguồn đối với mặt hàng thiết yếu này.
Duy trì bán hàng liên tục để phục vụ Tết
Do diễn biến liên tục từ thị trường nhiên liệu thế giới trong năm 2022 đã tác động không nhỏ đến nguồn cung và giá xăng dầu trong nước. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành vào cuộc đồng bộ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đưa mặt hàng này dần trở lại bình thường.
Thực tế với 32 lần điều chỉnh giá (tính đến ngày 12/12), trong đó có 17 lần tăng, 14 lần giảm và 1 lần giữ nguyên, song nhờ sử dụng linh hoạt các công cụ thuế và quỹ bình ổn (BOG) hiện giá xăng đã giảm về mức thấp nhất từ đầu năm, dao động quanh ngưỡng 21.200 đồng/lít đối với xăng RON95-III.
Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay, qua số liệu của các doanh nghiệp, hiện nguồn cung các mặt hàng xăng dầu đủ đáp ứng cho sản xuất và tiêu dùng trong cả trước, trong và sau Tết nguyên đán.
Cụ thể, hoạt động sản xuất của hai Nhà máy lọc dầu trong nước (là Dung Quất và Nghi Sơn) đang diễn ra bình thường, đáp ứng các hợp đồng kinh tế với đối tác, trong đó Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đang hoạt động với công suất 112%.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đầu mối cũng đã chấp hành việc phân giao định mức nhập khẩu xăng dầu trong quý 4/2022 và cơ quan chức năng cũng đã tính đến việc tăng sản lượng xăng dầu nhập khẩu để bù vào thời điểm 2 nhà máy này phải bảo dưỡng định kỳ.
Nói thêm về việc tổ chức bán hàng trong thời gian cao điểm Tết nguyên đán Quý Mão, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam thông tin thêm, tại tất cả các cửa hàng xăng dầu thuộc hiệp hội sẽ tổ chức bán bình thường trong các ngày Tết.
Tuy vậy, ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, do phương tiện đi lại ở một số địa bàn có thể giảm nên có vài đơn vị đã đăng ký với Sở Công Thương để xin tạm nghỉ đến 11 giờ cho người lao động đón Tết, nhưng sau đó sẽ mở lại như bình thường.
“Dự báo nhu cầu trong dịp Tết sẽ tăng nhưng các doanh nghiệp thuộc hiệp hội sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu về xăng dầu cho khách hàng đi chơi Tết và du xuân...,” ông Khanh cho hay.
Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào để vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất cao trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đơn vị quản lý trực tiếp Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cho biết Công ty đã làm việc với các nhà cung cấp, chủ mỏ, để tìm cơ hội tăng lượng nguyên liệu trực tiếp là dầu thô và các nguyên liệu trung gian.
Với phương án bổ sung nguồn nguyên liệu khẩn cấp từ các mỏ trong nước, trong hai tháng cuối năm 2022 sản lượng nguồn nguyên liệu của công ty ước đạt 400.000 thùng dầu thô, có thể đưa ra thị trường 1,4 triệu m3 xăng, dầu.
Dự trữ xăng dầu để bình ổn thị trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo kế hoạch, BSR cũng đã có phương án mua dầu thô đủ cho 6 tháng đầu năm 2023, giữ vững ở mức công suất cao để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trong những tháng cuối năm, đầu năm và Tết Nguyên đán.
Công suất hiện tại là 6,5 triệu tấn dầu thô nguyên liệu một năm, tỷ lệ sản phẩm xăng dầu là 93%, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ cho ra khoảng hơn 6 triệu tấn sản phẩm.
“Với việc liên tục vận hành ở công suất cao, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ cung cấp thêm cho thị trường hàng trăm nghìn tấn sản phẩm, xăng dầu. Điều này sẽ giúp bình ổn nguồn cung trong nước trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động,” đại diện BSR cho hay.
Sẵn sàng các phương án để bình ổn thị trường
Thực tế hiện nay, nguồn cung xăng dầu trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp do chịu tác động từ cuộc xung đột chính trị giữa một số quốc gia trên thế giới, đòi hỏi phải có những tính toán kịp thời và sát thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ điều hành thị trường trong nước phân tích, hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm khoảng 20%-25%, trong khi xăng dầu sản xuất từ dầu thô của Nghi Sơn là 100% phải nhập khẩu, chưa kể nguồn đầu vào để sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn cũng phải nhập khẩu.
Điều này có nghĩa Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập từ nước ngoài. Do vậy, những biến động của thị trường chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của đất nước trong thời gian tới nên chắc chắn cần phải có biện pháp khắc phục…
Từ thực tế khó khăn của doanh nghiệp và thị trường xăng dầu thời gian qua tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong đảm bảo lưu thông các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu.
Đối với Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố hỗ trợ cho 141 xe của doanh nghiệp phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa được lưu thông 24/24 giờ trong dịp trước trong và sau Tết.
Trước đó, trong lĩnh vực xăng dầu, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho trên 100 xe của các doanh nghiệp xăng dầu được lưu thông hàng hóa 24/24, từ đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và khắc phục tình trạng khi thiếu hàng cục bộ có thể điều tiết được ngay.
- Đến ngày 12/12, giá xăng đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm 2022:
Liên quan tới mặt hàng xăng dầu, để chủ động trong mọi tình huống, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện tốt việc dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, nhất là việc nhập khẩu cần phải được thực hiện một cách rất nghiêm túc.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn. Còn kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 ngàn m3, tấn.
Ông Diên nhấn mạnh, sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.
"Trong phân giao này cần tách bạch tương đối giữa sản lượng nhập khẩu và mua hàng sản xuất trong nước. Nếu doanh nghiệp nào không có đủ năng lực thì liên kết với nhau để nhập. Từng doanh nghiệp phải có sản lượng nhập để khẳng định trong mọi tình huống có nguồn cung ra thị trường," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Ngoài ra, ông đề nghị việc phân giao này phải căn cứ kế hoạch sản xuất của nhà máy trong nước, nhất là kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ để có sự điều chỉnh kịp thời.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, từ đầu năm 2023 sẽ áp dụng công nghệ vào quản lý từ các doanh nghiệp đầu mối đến các thương nhân phân phối và đề nghị chính quyền các địa phương cũng đồng thời áp dụng công nghệ và quản lý trên môi trường số đối với 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.
"Đây cũng là cơ sở để Bộ Công Thương kiểm soát tình hình kinh doanh xăng dầu đến tận các cửa hàng bán lẻ ngay trong năm tới," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.