Ngoài các chính sách hỗ trợ người dân, cần sự tham gia của toàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp… để thúc đẩy việc tắt sóng 2G diễn ra thuận lợi.
Đảm bảo quyền lợi khách hàng
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, cho biết, tắt sóng 2G là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế cũng như mong muốn của các nhà mạng và nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Tập đoàn Viettel đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mạng 2G lên 4G cách đây 4 năm như phủ sóng 4G cho khu vực có khách hàng (gồm cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), đưa giá dịch vụ 4G xuống rất thấp, tiệm cận và thậm chí thấp hơn giá dịch vụ 2G để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của khách hàng.
Nhà mạng này còn hỗ trợ người dùng bằng chính sách giảm giá các thiết bị đầu cuối.
Theo ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó trưởng Ban công nghệ Tập đoàn VNPT, từ năm 2015, khi mạng 2G chiếm khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G.
Trong 2 năm qua, Tập đoàn VNPT chủ động tiến hành tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Để làm điều này, Tập đoàn VNPT đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G; xây dựng kế hoạch, giải pháp để đến tháng 9-2024 thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị 2G theo chỉ đạo, định hướng của Bộ TT-TT.
Đồng thời có kịch bản cụ thể cho các lớp khách hàng như khách hàng thân thiết, người già, người sử dụng ở khu vực nông thôn, hải đảo; vừa đảm bảo chất lượng, dịch vụ cho khách hàng vừa hỗ trợ chuyển đổi thiết bị lên điện thoại thông minh sử dụng mạng 4G, thúc đẩy chuyển đổi số.
Những chiếc điện thoại di động dùng sóng 2G tại cửa hàng ở phường Tân Quy quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong khi đó, đại diện nhà mạng MobiFone, ông Lê Mai Sơn, Phó trưởng Ban truyền thông, cho biết, nhà mạng này hoàn toàn ủng hộ chủ trương tắt sóng 2G; chuyển khách hàng sử dụng mạng 2G sang 4G, 5G để tối ưu tần số, hạ tầng, triển khai thêm nhiều dịch vụ số.
Thời gian qua, MobiFone đã tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp. Trước khi tắt, nhà mạng này đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dân, việc triển khai được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Khi chuyển từ mạng 2G lên 4G, người dùng cần có thời gian chuyển đổi, tạo thói quen sử dụng mới.
Do vậy, MobiFone đã thiết kế các gói cước mobile internet đa dạng hình thức để đào tạo thị trường, giới thiệu cho khách hàng các tính năng mới.
Hỗ trợ để chuyển đổi đồng bộ
Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số (Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT-TT), cho biết, Bộ TT-TT đã thông báo đến các doanh nghiệp viễn thông việc đến tháng 9-2024, trên mạng di động Việt Nam sẽ không còn thuê bao 2G.
Tuy nhiên, Bộ TT-TT sẽ xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm trên băng tần 900 MHz để cung cấp dịch vụ thoại trên nền tảng 2G cho thuê bao 3G, 4G non-VoLTE. Sở dĩ như vậy là bởi nhiều thuê bao điện thoại thông minh 3G, 4G thời kỳ đầu chưa tích hợp VoLTE (tính năng trao đổi qua nền tảng 4G).
Vì thế, những thuê bao này sẽ sử dụng dịch vụ thoại qua nền tảng 2G, 3G cho đến tháng 9-2026. Sau tháng 9-2026, băng tần 900 MHz sẽ được Bộ TT-TT xem xét quy hoạch lại.
“Chúng ta đã thử nghiệm công nghệ 5G từ năm 2019 và đến nay các nhà mạng cũng đã sẵn sàng cho 5G. Mặt khác, một nhà mạng không thể tồn tại cùng lúc cả 2G, 3G, 4G và 5G; rất tốn kém cho việc khai thác, bảo dưỡng, vận hành. Chủ trương tắt sóng 2G đạt được sự đồng thuận cao. Nếu tắt sóng 2G và 3G, trên mạng sẽ chỉ còn công nghệ 4G. Khi đó, hạ tầng viễn thông của nhà mạng sẽ được dùng cho 5G, đồng thời có cơ hội để đến năm 2030 có thể khai thác 6G, khi công nghệ này đã chín muồi”, ông Nhã phân tích.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, trên hệ thống mạng quốc gia, hiện có hơn 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Bộ TT-TT) sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại để hỗ trợ đối tượng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong việc chuyển đổi sang công nghệ mới.
Bộ TT-TT cũng phối hợp chính quyền địa phương, huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa để giúp đỡ người dân diện chính sách có thể chuyển đổi sang công nghệ 4G một cách đồng bộ.