Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), trong những năm qua rất nhiều sàn giao dịch TMĐT đã ra đời nhằm hỗ trợ DN quảng bá và tìm kiếm khách hàng. Song, dù xuất hiện nhiều nhưng tính hữu dụng của các sàn giao dịch TMĐT chưa thể hiện được bao nhiêu.
Sàn quốc tế hấp dẫn
Tính đến nay, nước ta đã có 10 năm đưa ứng dụng TMĐT vào các hoạt động hỗ trợ kinh doanh cho các DN nhưng chỉ mới dừng lại ở khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV), vốn là những DN thường bị hạn chế về chi phí và năng lực quảng bá thương hiệu.
Hiện nay, các sàn giao dịch TMĐT được DN tin tưởng thường là các sàn giao dịch quốc tế như Alibaba.com, eBay.com, Amazon.com… vì khả năng có được đơn hàng xuất khẩu cao.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thiên Hương, những năm trước các sản phẩm nông sản và thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam rất được giá, hàng năm xuất khẩu ồ ạt đi các nước.
Tuy nhiên, từ năm 2008, sau khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, các DN gặp không ít khó khăn vì giá sản phẩm xuất khẩu thấp, lượng hàng giảm sút. Chính vì vậy, nhiều DN đã đưa sản phẩm lên TMĐT để tìm kiếm thêm khách hàng.
Sau nông sản và thủ công mỹ nghệ, hàng loạt sản phẩm thế mạnh khác như thủy hải sản cũng lần lượt tiếp cận với các sàn giao dịch TMĐT.
![]() |
Sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com đang thu hút các DN trong nước. |
Đăng ký trở thành viên từ năm 2008, Công ty TNHH MTV Hải sản 404 thừa nhận giao dịch trên Alibaba.com mang lại rất nhiều lợi ích cho DN trong vấn đề khai phá các thị trường tiềm năng và tăng lượng hàng xuất khẩu.
Nhận thấy hiệu quả khi tham gia giao dịch trên sàn TMĐT này, năm 2010 công ty quyết định đăng ký trở thành thành viên Gold Supplier của Alibaba.com. Hiện nay, 60% doanh số xuất khẩu của công ty đạt được thông qua các giao dịch với đối tác trên sàn giao dịch này.
Bình quân mỗi ngày công ty nhận được ít nhất 10 thư hỏi về các sản phẩm được quảng bá trên Alibaba.com. Tương tự, là một công ty cũng có tên tuổi ở thị trường trong nước với thương hiệu máy phát điện Omega, Công ty Levis Manufacturer đã đăng ký trở thành thành viên thông qua Công ty OSB, đại diện của Alibaba.com tại Việt Nam, để tìm kiếm cơ hội tiếp cận với các thị trường Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông.
Hiện mỗi tháng công ty nhận được khoảng 100 thư hỏi về sản phẩm và khoảng 10% trở thành các đơn đặt hàng, trong đó đơn hàng xuất khẩu lớn nhất đạt 5 triệu USD và đơn hàng nhỏ nhất đạt 8.000USD.
Chính vì những hiệu ứng tích cực này, nhiều DNNVV trong nước đã tìm đến kênh giao dịch TMĐT để tìm kiếm cơ hội vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện tại, đồng thời đây cũng là cách mở rộng kênh tiếp xúc khách hàng, xây dựng hình ảnh DN ít tốn kém và mang lại hiệu quả cao.
Sàn trong nước đìu hiu
Nhận thấy hiệu quả của hình thức giao dịch này, nhiều ban, ngành, địa phương đã bắt tay thành lập các sàn giao dịch TMĐT, tạo nên làn sóng mới về TMĐT trong nước.
Trong đó, ngoài các sàn giao dịch có tầm cỡ như www.ecomviet.vn thuộc Bộ Công Thương, cổng TMĐT quốc gia www.ecvn.com và sàn giao dịch của Hiệp hội TMĐT Việt Nam www.vecom.vn, hàng loạt sàn giao dịch của các tỉnh, thành đã xuất hiện như http://dongthaptrade.com.vn của tỉnh Đồng Tháp, http://eninhthuan.com.vn của tỉnh Ninh Thuận, www.binhdinhwood.com của Sở Công Thương tỉnh Bình Định, www.thainguyentrade.gov.vn của tỉnh Thái Nguyên…
Dù ra đời rầm rộ nhưng hoạt động của các sàn giao dịch này rất đìu hiu, các danh mục sản phẩm được liệt kê đầy đủ nhưng trong phần ghi chú số lượng DN đăng ký quảng cáo sản phẩm đa số là 0. Ở các sản phẩm có DN đăng ký quảng bá sản phẩm, nhấp chuột vào cũng chỉ hiện ra 1-2 sản phẩm, thậm chí có sản phẩm liên tục thông báo số lượng hàng tồn bằng 0.
Hình ảnh các mặt hàng may mặc được chụp cẩu thả, sản phẩm nhăn nheo, không thể hiện được tính sinh động của chất liệu cũng như mẫu mã sản phẩm. Với hình thức trình bày thiếu tính thẩm mỹ và hoạt động thiếu tính bền vững, nhiều sàn giao dịch TMĐT chỉ hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngưng vì không thu hút được DN trong nước tham gia cũng như không nhận được sự ủng hộ của các đối tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại phía Nam, nhận xét các sàn giao dịch TMĐT ở Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, thiết kế chưa mang tính khoa học. Trong khi đó các website TMĐT quốc tế có thiết kế, trình bày rất lôi cuốn từ thông tin đến hình ảnh sản phẩm.
Khi làm việc trên một giao diện hấp dẫn như vậy, nhà nhập khẩu sẽ cảm thấy thích thú và thoải mái trong việc tìm kiếm đối tác nhập hàng. Ngoài ra, một vấn đề nữa khiến các DN thường không mặn mà với đa số sàn giao dịch TMĐT trong nước đó là quy chế hoạt động chưa rõ ràng nên không đảm bảo được các lợi ích thiết thực của DN. Trong khi đó, các sàn quốc tế thực hiện rất tốt các dịch vụ hỗ trợ cho DN.
Thí dụ như tham gia vào Alibaba.com, DN có thể nâng cấp thành thành viên Gold Supplier với chi phí gần 64,5 triệu đồng/năm nhưng được hưởng rất nhiều ưu đãi như số lần hiển thị cao, được nhân viên tư vấn xuất khẩu miễn phí với thái độ phục vụ nhiệt tình, DN được đăng không giới hạn sản phẩm và có cơ hội giao thương với hơn 12 triệu thành viên từ 240 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, độ tin cậy của nhà nhập khẩu đối với DN quảng cáo sản phẩm cũng cao hơn nhiều nhờ sự đảm bảo của sàn giao dịch này. Nhìn vào cách làm bài bản từ các sàn giao dịch trên thế giới, nên chăng các nhà quản lý các sàn giao dịch TMĐT trong nước cần có sự điều chỉnh về nội dung và hình thức để tăng khả năng cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên cần phải tính đến một thực tế là sự xuất hiện tràn lan của các sàn giao dịch TMĐT làm loãng nhu cầu. Vì vậy, nhà quản lý sàn giao dịch nên nghĩ đến việc liên kết với nhau để hình thành một sàn giao dịch hoàn chỉnh, mang tầm quốc tế.
Sàn giao dịch nên tập trung theo từng vùng miền hay theo các loại sản phẩm đặc trưng sẽ dễ thu hút khách hàng, hơn là từng tỉnh, thành riêng lẻ tự thiết lập sàn rồi bỏ ngỏ một cách uổng phí.