Sản xuất, xuất khẩu gặp khó

3 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1%, mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 tăng 9,6%). Ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% cùng kỳ năm trước.

Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như: xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép, sản xuất giấy nhăn, bao bì, bột giấy, giấy, bìa, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ, sản xuất các sản phẩm khác từ plastic, sản xuất xe có động cơ, bàn ghế, giường tủ, sản xuất đồ uống không cồn, sản xuất cáp điện và dây điện, sản xuất các thiết bị gia đình...

Trong khi đó chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5% so với cùng kỳ, chủ yếu ở nhóm hàng như: rau quả, thủy sản, bơ, sữa, thức ăn gia súc, đường và nhóm hàng sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa...

Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm từ 15% so với cùng kỳ là nhóm sản xuất: đồ uống không cồn, giấy nhăn và bao bì, sắt thép, xi măng, các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, dây điện và cáp điện, bàn ghế, giường, tủ. Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%...

Các ngành khác như cơ khí, điện, điện tử, ô tô, xe máy vẫn tiếp tục ảm đạm. Thị trường điện máy cũng có dấu hiệu chững lại khi sức mua có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, giá cả leo thang và việc xăng dầu tăng giá 10% khiến tâm lý thắt chặt chi tiêu xuất hiện ở nhiều người dân.

Hai ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, da giày cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Với dệt may, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý I đạt 3,2 tỷ USD, tuy tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái song nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành những tháng đầu năm về cơ bản giảm cả lượng và trị giá (trong đó về trị giá bông giảm 36,5%; sợi các loại giảm 13,4%; vải giảm 11,1%).

Một số thị trường xuất khẩu dệt may có xu hướng giảm so với cùng kỳ như thị trường EU giảm 25-30% so với cùng thời điểm năm 2011. Nguyên nhân do từ đầu năm đến nay, các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh, nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10%, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn tối huệ quốc với mức thuế suất nhập khẩu 0% của EU để tiết kiệm chi phí.

Với ngành da giày, gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lực lượng lao động. Nguyên nhân chính do thu nhập của người lao động thấp, khó cạnh tranh với các ngành nghề khác, hiện nay các doanh nghiệp da giày Việt Nam chủ yếu làm gia công, giá gia công chiếm chỉ khoảng 5% toàn bộ giá trị của sản phẩm, chủ doanh nghiệp còn phải chi nhiều khoản nên mức thu nhập của lao động khó tăng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giày đang rất lo lắng vì mới ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I, chỉ có một số doanh nghiệp là ký được hợp đồng đến hết quý II, tuy nhiên đơn hàng lại giảm 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những khó khăn của nền kinh tế, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng là phải có giải pháp để lành mạnh thị trường tiền tệ - ngân hàng, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo thống kê, tháng 3 nhập siêu khoảng 150 triệu USD, tính chung cả quý I giảm hơn 3 tỷ USD so với cùng kỳ. Nhập siêu chỉ chiếm hơn 1% so với kim ngạch xuất khẩu đang là vấn đề đáng lưu tâm. 

Các tin khác