Thử thách DIY
Tuy khá bận rộn trong việc thiết kế bộ sưu tập thời trang cho hãng Fiorucci và nhãn hàng riêng, nhưng Giám đốc sáng tạo Netflix, Daniel W. Fletcher vẫn thu xếp tham gia một thử thách DIY bằng cách tạo tấm chăn bằng các mẫu vải denim tận dụng. Trong đó, tấm vải lớn nhất được anh lấy từ… chiếc váy trong bộ phim Next in Fashion.
Tấm chăn thể hiện phong cảnh Bắc cực, lấy cảm hứng từ hiện tượng nóng lên của trái đất khiến những tảng băng tan chảy. Kết quả bất ngờ là sau khi công chúng nhìn thấy tấm chăn, nó được tán thưởng nhiệt liệt và anh bị “ngập” trong những yêu cầu thiết kế sản phẩm tương tự. Fletcher cho biết, anh mất 5 tiếng sử dụng máy may để tạo ra tấm chăn. Khâu tay chắc chắn sẽ lâu hơn, nhưng cũng là một cách thư giãn rất tốt.
Mô tả ảnh
Trong khi đó, nhà thiết kế Liam Hodges cho biết anh mới chuyển nhà, vì vậy có điều kiện trang trí nhà cửa. Làm việc ở nhà giúp anh có cơ hội tạo ra chiếc thảm móc độc đáo của riêng mình. Cụ thể, anh đã sử dụng photoshop thiết kế đồ họa, với mỗi pixel đại diện cho mỗi mũi móc. Sau đó anh mất 2 giờ để hoàn thành tấm thảm chùi chân 100% tái chế từ những chiếc áo phông cũ, vải vụn và sợi len. Nhà thiết kế giải thích khi được đặt ở cửa, tấm thảm sẽ nhắc nhở anh duy trì nếp sống tích cực và tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo không ra khỏi để phòng tránh dịch bệnh.
Nhà thiết kế Christopher Raeburn cho biết, nhóm của anh đang thích nghi với tình hình hiện tại bằng sáng kiến #RaeburnAtHome của họ. Dự án của anh tạo ra những chú cá mập nhồi bông xinh xắn, gửi đến mọi người thông điệp bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ cần 1m2 vải - thậm chí ít hơn, nếu bạn khéo lựa hoa văn trên vải.
Raeburn thậm chí còn khuyến khích sử dụng nhiều mảnh vải nhỏ khác màu để tăng thêm màu sắc vui mắt cho những chú cá mập. Những chú cá mập vải khiến nhóm của anh bận rộn trong khoảng 10 giờ, nếu sử dụng máy may. Nhưng vì chúng không dễ làm, nên Christopher Raeburn đã tận tình chia sẻ đường link hướng dẫn đầy đủ cách làm cá mập trên tờ báo và trang cá nhân của mình.
Nhà thiết kế Edward Crutchley đặt ra thử thách khó khăn hơn: một dự án mỗi ngày. Ngày đầu tiên, anh cắt may một bộ quần áo lấy cảm hứng từ kimono dựa theo hướng dẫn về trang phục truyền thống Nhật Bản của John Marshall. Tiếp theo tạo ra các tác phẩm điêu khắc thu nhỏ bằng đất sét về các vị vua và hoàng hậu Anh. Mỗi mẫu kimono truyền thống trông giống như được ghép lại bởi một số mảnh vải hình chữ nhật có chiều dài khác nhau, nhưng thực ra để may được một bộ kimono truyền thống đúng phong cách Nhật Bản là rất khó.
Mẫu của Edward Crutchley là loại giản thể, có thể sử dụng rèm cửa cũ hoặc ga trải giường và mất khoảng 4 giờ để hoàn thành. “Tôi đã cố gắng làm cho nó đơn giản nhất có thể, chỉ có 3 đường nối và 3 đường viền” - anh nói.
Cảm hứng sáng tạo
Cảm hứng sáng tạo
Rosie Wolfenden và Harriet Vine, 2 nhà thiết kế của thương hiệu trang sức Tatty Devine đã tạo ra vòng cổ rút như một cách hồi tưởng những ký ức hồn nhiên thuở thiếu thời. “Năm 2001, chúng tôi đã làm đồ trang sức từ bất cứ thứ gì tìm được. Sao lại không lấy cảm hứng từ món khoai tây chiên khoái khẩu của chúng tôi” - Rosie Wolfenden chia sẻ. Vật liệu để làm chiếc vòng cổ là vỏ túi khoai tây rán (không dùng giấy bạc hoặc loại có kim loại); một chuỗi vòng cổ (mới hoặc cũ); giấy thấm dầu. Sẽ cần đến lò nướng, khay nướng, khăn ẩm. Rõ ràng là không tốn kém gì cả, nhưng sẽ cần đến một chút khéo léo của các bà nội trợ.
Mặc dù chưa từng có kinh nghiệm đan lát gì, những ngày qua vũ công Meshach Henry đã miệt mài đan 3 chiếc khăn. Quá trình DIY này được ghi lại đầy đủ trên Instagram bởi bạn anh, DJ Nick Grimshaw. Meshach Henry cho biết, trước đó anh nghĩ mình sẽ tranh thủ thời gian để học lấy một kỹ năng nào đó “nam tính” hơn, kiểu như sửa ống nước hoặc trát vữa, nhưng rồi khi nhìn thấy đồ đan ở một cửa hàng gần nhà anh đổi ý.
Anh mua thêm kim đan cỡ 10mm (“tôi tưởng nó là loại trung bình thôi, nhưng hóa ra là loại khủng nhất!”) và loại len sợi to, rồi tự lên YouTube học đan. “Chinh phục” xong những chiếc khăn, Meshach Henry sẽ chuyển sang đan áo len chui để phối cùng với những chiếc khăn vừa hoàn thành.
Lucinda Chambers là người đồng sáng lập thương hiệu thời trang Colville và nền tảng mua sắm trực tuyến Collagerie, đồng thời là Giám đốc thời trang của Vogue Anh quốc trong suốt 25 năm. 6 tháng trước, ghé tiệm giải khát Bon Marché trong chuyến du lịch Paris, bà đã nhận ra những chiếc ly thủy tinh lạ mắt được tái chế từ vỏ chai rượu vang.
Tò mò tìm hiểu, bà đã gặp một gia đình chuyên tạo ra những chiếc cốc độc đáo từ chai rượu đã qua sử dụng. Với quỹ thời gian rộng rãi hiện giờ, Lucinda Chambers mua một bộ dụng cụ cắt thủy tinh trên Amazon và sưu tập các chai rượu rỗng. “Mỗi chiếc ly là lao động của tình yêu, nhất là khi tôi cẩn thận mài nhẵn miệng ly, từng chiếc, từng chiếc một. Việc đó đem lại cảm giác khuây khỏa một cách kỳ lạ” - bà kể.