Một quyết định muộn màng so với phần còn lại của thế giới, nhưng là tin vui cho ngành du lịch năm 2023. Đáng tiếc, phòng cầu nguyện này lại chỉ dành cho khách du lịch người Hồi giáo có vé máy bay loại thương gia.
Người Hồi giáo trên thế giới hiện khoảng 1,8 tỷ người, chiếm 24% dân số toàn cầu, riêng khu vực Đông Nam Á gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là một trong các nhóm người có mức chi phí cao nhất cho du lịch. Do vậy các nước trên thế giới dành sự quan tâm đặc biệt cho khách du lịch Hồi giáo. Họ không phải khách khó tính, nhưng có 3 điều bất di bất dịch nếu quốc gia, vùng miền nào đáp ứng sẽ thu hút được họ.
Thứ nhất là nơi cầu nguyện. Người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần/ngày theo giờ quy định. Họ không cần nơi quá trang trọng, chỉ cần nơi yên tĩnh, sạch sẽ, kín đáo để cầu nguyện. Sân bay là nơi hàng triệu người qua lại mỗi ngày, việc dành vài căn phòng nho nhỏ cho họ là điều du lịch nhiều nước đang làm.
Thứ hai là chỉ dấu hướng cầu nguyện. Khi chúng ta đến khách sạn các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore, Hồng Kông, Macau, kể cả các nước châu Âu, nếu để ý sẽ thấy có một dấu hiệu nhỏ trên tường hay trên trần nhà kèm theo dòng chữ nhỏ là Qibla. Đó là mũi tên chỉ về hướng thánh địa Mecca, để người Hồi giáo khi làm lễ cầu nguyện sẽ hướng mặt về hướng đó, và kèm theo đó là tấm thảm nhỏ được dệt các hoa văn và một đoạn kinh Coran. Từ dấu hiệu nhỏ này cho thấy sự chu đáo của những người làm du lịch ở các nước mà chúng ta cần học tập.
Thứ ba cũng là quan trọng nhất với người Hồi giáo, là các loại thực phẩm phải được cấp chứng chỉ Halal - theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc “cho phép”. Đối lập với Halal là Haram, có nghĩa là trái pháp luật hoặc bị cấm. Halal và Haram là những thuật ngữ áp dụng cho tất cả khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo. Những món được xem là Halal phải phù hợp với chế độ ăn uống đạo Hồi đã đề ra trong kinh Coran.
Thực phẩm Halal, ngoài việc không sử dụng bất kỳ loại rượu hay thức uống có cồn gây nghiện, còn phải được làm từ nguồn động vật được xử lý theo đúng phương cách của đạo Hồi. Hầu hết sân bay trên thế giới đều có các cửa hàng riêng biệt hay những quầy bán đồ ăn, thức uống dành cho người Hồi giáo được cấp chứng chỉ Halal, được lồng kính trang trọng hay đặt trên quầy phục vụ.
Thành viên Hiệp hội Halal quốc tế trao chứng nhận “Tuân thủ những yêu cầu về vệ sinh Halal của đạo luật Hồi giáo Malaysia” cho Công ty SASCO tại Sân bay Tân Sơn Nhất. |
Quay trở lại trường hợp của Việt Nam để hiểu lý do tại sao khách quốc tế theo đạo Hồi đến còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 đến trước dịch Covid-19, Việt Nam mới đón được gần 1 triệu du khách, trong 2 năm 2015-2016 là 408.000, năm 2017 là 335.000 lượt, đa phần đến từ Malaysia. Có nhiều lý do cho thấy người Hồi giáo chưa mặn mà với thị trường Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Vào năm 2013, ở TPHCM mới có 3 nhà hàng bán đồ ăn có chứng chỉ Halal ở quận 1 và Phú Nhuận. Đến trước thời điểm dịch TP đã phát triển lên khoảng 20 nhà hàng, cửa hàng có chứng chỉ Halal chính thức, tập trung ở quận 1, 3 và Phú Nhuận. Trong khi đó, ở khu vực ĐBSCL, miền Đông và các tỉnh cao nguyên có rất ít, thậm chí có tỉnh không có nhà hàng nào.
Ở TPHCM hiện có 14 thánh đường Hồi giáo, nhưng chỉ có 3 thánh đường nằm ở khu vực trung tâm thuận lợi cho khách du lịch cầu nguyện. Đó là thánh đường Musulman, 66 Đông Du, quận 1; thánh đường Jamiul Islamiyah số 459B Trần Hưng Đạo; thánh đường Al Rahim tại 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ở khu vực trung tâm chỉ có 3 thánh đường như vậy là quá ít ỏi so với lượng du lịch người Hồi giáo (cho dù là chưa nhiều), nên những lúc khách du lịch đến giờ cầu nguyện phải di chuyển rất xa, trong tâm thế vội vã.
Sau dịch, Việt Nam mở cửa đón du lịch sớm nhất khu vực Đông Nam Á, kỳ vọng được 5 triệu khách quốc tế nhưng cuối cùng chỉ đón được 3,5 triệu khách. Còn Thái Lan, dù mở cửa du lịch sau ta nhưng đón được 11,5 triệu khách nước ngoài, trong đó có gần 2 triệu khách từ các quốc gia Hồi giáo. Năm 2023 này Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế, trong khi Thái Lan đặt mục tiêu đón 23 triệu khách quốc tế.
Quay trở lại trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất mở phòng cầu nguyện cho người Hồi giáo, nhưng không dành cho tất cả khách du lịch phổ thông theo đạo Hồi, mà chỉ dành cho một số rất ít khách VIP, hay còn gọi là khách sộp. Đây là phòng chờ có tên gọi Jasmine, chỉ phục vụ hành khách hạng thương gia là tín đồ Hồi giáo, được chứng nhận bởi Tổ chức Liên minh Halal quốc tế.
Căn phòng sang trọng này tọa lạc tại tầng 2 khu vực nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất, rộng 300m2 và công suất phục vụ giới hạn 70 khách. Trong phòng chờ Jasmine có khu vực ăn uống được cấp chứng chỉ Halal và phòng cầu nguyện riêng biệt cho nam và nữ, thiết kế đảm bảo không gian tôn nghiêm cho việc hành lễ và cầu nguyện của hành khách.
Nếu nói về mục đích thu hút khách du lịch số đông, việc ra đời phòng Jasmine này chưa đạt mục đích. 70 người được quyền cầu nguyện so với hàng ngàn du khách Hồi giáo mỗi ngày qua lại quả là quá ít. Tôi là người thường đi làm việc cùng với các bạn người Hồi giáo, và thật ái ngại khi thấy nhiều lần họ phải cầu nguyện ở góc sảnh chờ sân bay dưới cái nhìn tò mò của nhiều người. Giá như lấy một phần 300m2 dành cho 70 VIP để làm vài phòng cầu nguyện cho khách thì tốt hơn, và cũng đến lúc tất cả sân bay của Việt Nam nên nghĩ đến điều này, nếu muốn thu hút khách du lịch bằng phân nửa Thái Lan.
Một vài phòng cầu nguyện ở sân bay, ở siêu thị, khách sạn, các cửa hàng có chứng chỉ Halal phục vụ mọi tín đồ Hồi giáo, thực sự không chiếm bao nhiêu diện tích, mức đầu tư không lớn và thủ tục không có gì phức tạp, nhưng sẽ thu hút được khách du lịch theo đạo Hồi. Điều này tưởng nhỏ nhưng hiệu quả rất lớn, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Cung cấp cho du khách cái họ cần chứ không chỉ cái mình sẵn có”.