Đổi mới công nghệ đang là vấn đề bức thiết đối với các DN. Thế nhưng dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giữa DN và các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự liên kết để thực hiện tốt chương trình này.
Hỗ trợ thiết thực
Theo chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt, các DN trong nước sẽ được Chính phủ hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới, triển khai hệ thống quản lý nguồn lực và quảng cáo sản phẩm.
Cụ thể, Nhà nước sẽ xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu về các công nghệ tiên tiến nhất, đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao để đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm hỗ trợ DN hình thành các cơ sở ươm tạo khoa học công nghệ.
![]() |
Đổi mới công nghệ đang là vấn đề bức thiết đối với các DN. |
Các hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng và thay đổi quy trình công nghệ mới cũng được khuyến khích và hỗ trợ thực hiện. Mục tiêu của chương trình là trong 5 năm tới mỗi năm số lượng DN tham gia thực hiện đổi mới công nghệ tăng 10% và đến năm 2020 tăng 15%/năm.
Tại TPHCM, từ năm 2008 UBND TP cũng đã giao Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) triển khai đề án “Đổi mới công nghệ sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp TP giai đoạn 2009-2010” với kinh phí hỗ trợ 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ phát triển KH-CN.
Theo Sở KH-CN TPHCM, 2 năm qua, khoảng 3.200 DN đã được giới thiệu về quỹ này, trong đó, Sở đã tiến hành lấy ý kiến khảo sát ở 800 DN trên địa bàn. Sau khi 70 DN được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn, đã có 20 đơn vị trình dự án vay vốn với các đề án đổi mới công nghệ yêu cầu được hỗ trợ.
Thế nhưng, kết quả đạt được rất thấp vì kết thúc dự án chỉ có 6 đơn vị có đề án đổi mới phù hợp được duyệt vay với số vốn khoảng 26 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, trong giai đoạn 2011-2015, Quỹ phát triển KH-CN sẽ được áp dụng mở rộng cả đối tượng và phạm vi để hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị, lao động, tài chính, nhân lực, thông tin, với số lượng từ 100-200 DN/năm nhằm giúp các DN trên địa bàn TPHCM có đầy đủ thông tin về đề án này và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các DN sản xuất công nghiệp với khoảng 20 đề tài/năm.
DN không mặn mà
Theo ý kiến của một số DNNVV tại TPHCM, đối với dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ, DN rất ủng hộ, tuy nhiên trong quá trình tiếp cận, nhiều DN lại thấy e ngại. Một giám đốc công ty sản xuất nhựa phân tích: Nguyên nhân lớn nhất là DN trong nước không có sự liên kết, hoạt động khá manh mún và sợ lộ bí mật sản xuất, cho nên dù nhìn thấy thuận lợi của Quỹ phát triển KHCN, DN vẫn không mặn mà.
Ngoài ra, nhiều DN chưa quan tâm xây dựng chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm bằng các phương pháp khoa học kỹ thuật dài hạn, do đó, vẫn sản xuất thủ công, sử dụng lao động tay chân số lượng lớn thay vì máy móc công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Giám đốc Công ty Mỹ Hồng Phương, các DNNVV vẫn còn gặp khó khăn về tài chính và thị trường; nguồn nhân lực chất lượng thấp, chưa được đào tạo về kỹ thuật mà chỉ học hỏi trong quá trình làm việc. Thế nhưng bản thân các DN chưa mạnh dạn bày tỏ nhu cầu, nên việc tiếp cận thông tin khá khó khăn; khi có dự án hỗ trợ, các DN này lại bối rối với các vấn đề phải phát sinh trong quá trình thực hiện đề án.
Với các dự án hỗ trợ đổi mới, bản thân các DN vẫn còn quan niệm rằng dự án có sẵn nhưng chưa chắc đã vay được và phải chịu các chi phí phát sinh nếu dự án không thành công.
Chính vì vậy, để thực hiện đề án đổi mới công nghệ, cần phải có sự liên kết, phối hợp để tìm hiểu kỹ thông tin giữa các DN và các sở - ngành để giải tỏa những lo ngại của DN và cơ quan quản lý có được những biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất.