Sau vụ sạt lở nghiêm trọng, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể quy hoạch Đà Lạt

(ĐTTCO) - Những sự việc sạt lở diễn ra liên tiếp những năm qua chính là lời cảnh tỉnh để chúng ta đánh giá, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, tổng thể hơn trong vấn đề quy hoạch Đà Lạt.
Sau vụ sạt lở nghiêm trọng, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể quy hoạch Đà Lạt

Đà Lạt có địa hình phức tạp, chia cắt lớn nên chuyện sạt lở là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, khoảng 2-3 năm trở lại đây, tình trạng trên xuất hiện thường xuyên hơn khiến chúng ta phải lưu tâm. Một phần sạt lở do những biến động bởi môi trường, thời tiết mưa nhiều, những đợt mưa lớn kéo dài làm đất trở nên yếu hơn.

Công trình xây dựng bờ taluy trong hẻm Hoàng Hoa Thám, phường 10 được nhà nước cấp phép xây dựng. Để có giấy phép, chắc chắn khu vực xây dựng phải phù hợp quy hoạch. Công trình trên có đơn vị thiết kế, tư vấn, xây dựng, giám sát đảm bảo các thủ tục về vấn đề pháp lý. Vấn đề chính tại công trình này nằm ở khâu kỹ thuật.

Công trình đã được xây dựng hơn 1 năm trước, khi làm phía dưới đã trải qua mùa mưa nhưng không xảy ra vấn đề gì; đến năm nay tiếp tục xây những bờ phía trên khi gặp mưa lớn thì xảy ra sạt lở. Các đơn vị triển khai làm công trình có thể đã không lường hết được những nguy cơ gây ra sạt lở như lượng nước mưa thấm trên bề mặt (có thể nhìn bằng mắt thường) hay nước chảy ngầm phía dưới công trình. Tình trạng trên từng xảy ra ở một số công trình trước đây.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện thi công, giám sát đã không lường hết được nguy cơ. Về mặt khoa học, để mái đất tự nhiên sẽ ổn định hơn là “mái mượn” (đắp đất) nhưng trên thực tế, một số vùng núi ở các nước trên thế giới vẫn xảy ra sạt trượt do địa chất không ổn định. Trong yêu cầu xây dựng các công trình có độ cao hoặc bờ taluy thì bắt buộc đổ từng lớp đất, đến đâu phải chặt đến đó và đảm bảo không trở thành nơi hứng nước khi gặp mưa.

Dù vậy, ở những công trình khi xây dựng không gây sập, đổ cũng không được chủ quan. Trong công tác quản lý nhà nước, nếu phát hiện sai quy trình phải cương quyết xử lý, tránh những thiệt hại đáng tiếc. Bên cạnh đó, yếu tố bất chợt, thiên tai cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở.

Xét rộng ra, những ngày qua Đà Lạt xuất hiện nhiều trận mưa lớn, lượng nước mưa liên tục đổ dồn trong mấy ngày khiến một số khu vực sạt lở, kể cả khu vực ít công trình. Ở nơi có địa hình dốc cao như Đà Lạt, chỉ một dòng nước trên đồi cao bị chặn, đổi hướng (có thể do cây ngã đổ hoặc vật thể chặn ngang) sẽ tạo ra luồng nước rất mạnh có thể gây ra điểm sạt lở mới trong thời gian ngắn.

Là người sinh sống, làm việc hàng chục năm ở TP Đà Lạt, với điều kiện tự nhiên nơi đây, tôi nghĩ không thể cấm người dân xây dựng tại các khu vực đồi dốc. Trong quá trình hình thành hàng trăm năm của thành phố này, con người đã phải tác động vào địa hình để có mặt bằng xây dựng.

Tuy nhiên, những sự việc sạt lở diễn ra liên tiếp những năm qua chính là lời cảnh tỉnh để chúng ta đánh giá, nhìn nhận một cách kỹ lưỡng, tổng thể hơn trong vấn đề quy hoạch. Thủ tướng vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 nên đây cũng là lúc cần rà soát lại các khu vực, tính toán lại mật độ xây dựng, yêu cầu về an toàn càng phải được đề cao.

Nơi nào đã xảy ra sạt lở cần được đánh giá lại tổng thể xem khu vực đó địa chất có phù hợp; kiên quyết không cho phép xây dựng trên những nơi có nền địa chất yếu, có thể chuyển sang trồng cây xanh. Thay vì trước đây những khu vực dốc cho xây dựng hết thì ở bước điều chỉnh sắp tới, cần đánh giá thêm về địa chất, hạn chế xây dựng này.

Nhà nước có thể điều chỉnh định mức để bù đắp lại khu vực thu hồi. Tại những khu vực có địa chất ổn định có thể tăng diện tích xây dựng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ở cho dân cư thành phố vốn đã tăng trong những thập niên gần đây.

Các tin khác